Năm 2011, Facebook phát hành Messenger dưới dạng ứng dụng riêng biệt nhưng vẫn tồn tại chung trong ứng dụng chính. Đến năm 2014, Messenger đã được tách độc lập hoàn toàn. Và kể từ đó cho đến nay, Facebook luôn cố gắng tích hợp nhiều tính năng mới mẻ cho ứng dụng nhắn tin này.
Mới đây, Jane Manchun Wong, một nữ lập trình viên 25 tuổi, người đã nhiều lần tự mình tìm ra những lỗ hổng hoặc tính năng chưa được công bố ẩn trên các ứng dụng nổi tiếng như Instagram, Twitter… đã phát hiện Facebook đang thử nghiệm 2 tính năng cực hay trên Messenger: Chia sẻ màn hình và mở khoá bằng khuôn mặt.
Đầu tiên là về tính năng chia sẻ màn hình (Screen Sharing). Khi người dùng kích hoạt tính năng này, những người đang thực hiện gọi video cho họ sẽ có thể thấy những nội dung đang hiển thị trực tiếp trên màn hình.
Hiện tại, tính năng Screen Sharing chỉ dùng để chia sẻ nội dung chứ không thể tương tác. Dẫu vậy, tính năng này sẽ vẫn rất hữu ích trong nhiều trường hợp, ví như cho phép người khác kiểm tra nhanh sự cố trên thiết bị để có thể tìm giải pháp khắc phục.
Đối với người dùng Android, Screen Sharing sẽ chỉ hoạt động nếu người dùng cấp quyền cho Messenger được ghi lại nội dung hiển thị trên màn hình.
Tính năng thứ 2 là hỗ trợ mở khoá bằng nhận diện khuôn mặt Face ID. Theo như phát hiện của Jane Manchun Wong, tính năng Face ID trên Messenger sẽ cho phép người dùng thiếp lập thời gian để yêu cầu mở khoá bằng khuôn mặt sau khi đóng ứng dụng.
Nhanh nhất là 1 phút sau khi ngưng sử dụng Messenger và lâu nhất là 1 giờ đồng hồ. Dữ liệu khuôn mặt của người dùng sẽ được lưu trữ trên máy, chứ không gửi đến Facebook.
Theo Alexandru Voica, quản lý công nghệ tại Facebook, Messenger có thể sử dụng bất cứ công nghệ xác thực sinh trắc học nào mà thiết bị hỗ trợ như Touch ID, Face ID, cảm biến vân tay,…
Nếu tính năng này được tích hợp trên bản cập nhật Messenger mới nhất, nó sẽ giúp chủ nhân bảo mật được tin nhắn riêng tư tốt hơn, tránh bị những người tò mò đọc trộm tin nhắn.