Ming Maa, Chủ tịch Grab, mới đây cho biết doanh thu thuần của startup này đã tăng 70% trong năm 2020 so với cùng kì trước đó. Grab cũng cắt giảm chi tiêu cho EBITDA (Thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần) hàng tháng tới khoảng 80% trong 12 tháng qua.
Theo đó, startup kì lân có trụ sở ở Singapore khẳng định đã đạt đến điểm hòa vốn đối với dịch vụ gọi xe ở tất cả các thị trường mà nó đang hoạt động, bao gồm của Indonesia.
Bên cạnh đó, Grab nói rằng doanh thu thuần hàng năm của mảng giao đồ ăn đã tăng gấp ba lần trong quý III năm ngoái. Dù vậy, Grab từ chối chia sẻ về các thông tin chi tiết. Grab kì vọng sẽ hòa vốn ở mảng giao đồ ăn vào cuối năm 2021 sau khi đạt chỉ số EBITDA dương tại một số thị trường vào quý 2/2020.
Cùng thời điểm, Cơ quan Tiền tệ Singapore mới đây đã cấp phép hoạt động ngân hàng số toàn diện cho Grab và Singtel. Với giấy phép này, Grab đặt mục tiêu phục vụ nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ ở quốc đảo Đông Nam Á này.
Ông Ma nhấn mạnh mục tiêu chính của Grab trong năm 2020 là hỗ trợ nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai trực tuyến. “Trong năm mới, chúng tôi muốn tập trung vào điều này bằng hiệu ứng lan tỏa mang đến lợi ích cho không chỉ các công ty sử dụng nền tảng của chúng tôi mà còn là toàn bộ chuỗi giá trị hỗ trợ họ,” ông nói.