Có thể bạn sẽ bất ngờ khi biết hầu hết các đồng tiền thông dụng trên thế giới đều không thể bị photocopy, scan hay thậm chí chỉnh sửa trong các phần mềm xử lý hình ảnh như Photoshop. Một số người đã tò mò tới mức thử gập nhỏ lại một tờ tiền thành nhiều lần sau đó cho vào máy scan nhưng vẫn bị từ chối scan/ in.
Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc tại sao một tờ tiền lại có thể làm được điều này chưa? Thực tế, trên mỗi tờ tiền tưởng như rất đơn giản đều có một “công nghệ” chống sao chép, làm giả cực kì phức tạp.
“Công nghệ” chống sao chép, làm giả nổi tiếng nhất trên các tờ tiền là “chòm sao EURion”. Nó được sử dụng trên tiền của trên dưới 50 quốc gia và trên tất cả các đồng tiền chung Châu Âu Euro. Về cơ bản, “chòm sao EURion” là một “họa tiết” bao gồm các đường tròn, thường được tô màu vàng, da cam hoặc xanh sắp xếp vị trí theo chòm sao Orion. Trên tờ tiền, “chòm sao EURion” có thể “ẩn nấp” trong các họa tiết trang trí hoặc bản thân nó cũng chính là một họa tiết trang trí lặp đi lặp lại và xuất hiện ở nhiều vị trí.
Phần mềm trong các máy photocopy màu, máy scan hay một số phần mềm chỉnh sửa hình ảnh như Photoshop có thể nhận ra những họa tiết này và hiển thị thông báo lỗi, từ chối dịch vụ khi người dùng cố ý sao chép, scan hay chỉnh sửa hình ảnh tiền. Bên cạnh “chòm sao EURion”, còn có một “công nghệ” chống sao chép khác cũng khá phổ biến mang tên Counterfeit Deterrence System (CDS, tạm dịch: hệ thống chống làm giả). Đây là một thuật toán được phát triển bởi Central Bank Counterfeit Deterrence Group và cũng được tích hợp vào nhiều máy in, máy scan hay máy photocopy.
Cách thức hoạt động của CDS đến nay vẫn là một ẩn số. Tuy nhiên, một số trang công nghệ dự đoán về bản chất nó cũng là một loại ký tự, họa tiết, hình ảnh xuất hiện khéo léo trên tờ tiền ở các những khu vực nhỏ nhất để có thể dễ dàng bị nhận ra khi có ai đó cố tình sao chép.