Facebook vừa trải qua một trong những tuần lễ nhiều việc phải lo nghĩ nhất trong 3 năm qua, kể từ sau vụ scandal rò rỉ dữ liệu liên quan tới công ty Cambridge Analytica bị phanh phui năm 2018. Khởi động cho tuần đen đủi là sự cố mất kết nối trên phạm vi toàn cầu kéo dài tới 6 giờ liên tục, khiến cổ phiếu hãng lao dốc hàng tỉ USD; trong khi kết thúc bằng việc nhà báo Maria Ressa được trao giải Noel Hòa bình. Bà Ressa là người luôn chỉ trích Facebook nặng nề.
Nhưng đỉnh điểm của tuần sóng gió là việc cựu quản lý thuộc bộ phận Liêm chính và Công bằng của Facebook - bà Frances Haugen đứng ra tố giác những sai phạm đang được che giấu tại công ty mình từng làm việc. Haugen được đánh giá là một người điềm tĩnh, có tiếng nói và thẩm quyền trong nội bộ đơn vị công tác. Bà đã đưa bằng chứng thuyết phục về sự dối trá, lừa gạt của Facebook, tác hại mạng xã hội này đem lại cho thanh thiếu niên, chỉ ra những tác động tàn phá đối với nền dân chủ.
Tất cả nội dung tố giác đều có bằng chứng rõ ràng và đanh thép, được cụ thể hóa trong 8 đơn khiếu nạn gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), cùng với tài liệu giao cho các cơ quan tư pháp. Cuối tháng này, Haugen sẽ có phiên điều trần trước Quốc hội Anh.
Theo lời nhà báo Carole Cadwalladr. “Đó là điều chúng ta bắt đầu nhận thấy, diễn ra một cách chậm rãi: sự sụp đổ. Một tuần vừa qua chính là thời điểm vết nứt ở nền móng của Facebook trở nên sâu sắc hơn”. Bà Carole chính là người phanh phui vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica năm 2018 trên mặt báo.
Năm 2018, lời khai của Chris Wylie - cựu giám đốc phụ trách nội dung bầu cử của Cambridge Analytica trở thành đòn đánh đầu tiên tác động đến quyền lực Facebook. Chris đứng ra tố cáo bê bối rò rỉ dữ liệu liên quan đến mạng xã hội lớn nhất thế giới. Dù chịu cơn sóng lớn, CEO Mark Zuckerberg cùng toàn bộ dàn lãnh đạo vẫn giải quyết êm thấm mà không một ai trong số nhân sự đứng đầu phải mất ghế. Facebook sau Cambridge Analytica chỉ mất 5 tỉ USD tiền phạt nhưng vẫn phát triển, tăng tưởng người dùng, thậm chí tăng giá cổ phiếu.
Ở thời điểm đó, những lời khai của Chris đã khởi động cho hàng loạt cuộc điều tra nhắm vào Facebook nhưng không mang lại kết quả gì cụ thể. "Bộ sậu" lãnh đạo Facebook nhẽ ra phải bị buộc rời chức từ thời điểm này nhưng bất thành. Để rồi ba năm sau, lại một cơn sóng ập đến từ lời khai của cựu lãnh đạo công ty. Haugen ra làm chứng cho những vấn đề được xem là hậu quả trực tiếp của một thứ văn hóa doanh nghiệp bị tha hóa, ăn mòn.
Facebook ở thời điểm này đang gặp những khó khăn thực sự, đối mặt với các thách thức về pháp lý, quy định trong bối cảnh suy yếu nội bộ, nhân sự xáo trộn và lung lay. Sự khác biệt lớn nhất của sự kiện với Haugen so với bê bối Cambridge Analytica là bà ra mặt với các hành động mang tính quy củ, có tổ chức, đồng thời được hỗ trợ chặt chẽ. Và qua cách đặt câu hỏi cho bà Haugen, các thượng nghị sĩ Mỹ cũng cho thấy họ đã thay đổi nhận thức công nghệ ra sao so với thời điểm 3 năm trước.
Mạng xã hội này cũng còn những mối đe dọa hiện hữu. Công ty đang bị Ủy ban Thương mại Mỹ (FTC) kiện vì hành vi độc quyền, ý định chia nhỏ hãng thành các doanh nghiệp con riêng biệt; trong khi COO Sheryl Sandberg vướng nghi án gian lận thị trường và bị bang Texas (Mỹ) kiện. Chưa hết, một nhóm cổ đông đã đâm đơn kiện tại Delaware kèm nhiều tài liệu mới tố nhiều lãnh đạo cấp cao Facebook cùng ban giám đốc đã lừa dối các nhà đầu tư.
Nghiêm trọng hơn cả, Liên Hiệp Quốc nhận thấy dấu hiệu Facebook tiếp tay cho một cuộc diệt chủng tại Myanmar, theo trang Guardian. Ngoài ra, rất nhiều người cũng biết rằng cuộc bạo động ở Đồi Capitol Mỹ vào tháng 1.2021 có dính dáng tới mạng xã hội này.