Khi đồng tiền ảo Bitcoin đột ngột làm mưa làm gió trong năm 2017, nhiều người đã dấn thân vào việc đào Bitcoin hay mua lại đồng tiền số trên các sàn giao dịch. Việc đào Bitcoin tiêu thụ một lượng điện năng cực lớn khiến các nhà hoạt động môi trường cảm thấy lo lắng.
Đào Bitcoin là quá trình giải những thuật toán phức tạp trên máy tính nhằm xác minh một khối (block). Nếu thành công, thợ đào sẽ nhận được một số lượng Bitcoin được coi như là khoản thưởng. Việc đào Bitcoin đòi hỏi “thợ đào” phải có một dàn thiết bị chuyên dụng, đây là cách duy nhất để mọi người có thể tham gia đào tiền và thực hiện các giao dịch tiền số.
Theo một thống kê mới đây từ tạp chí Joule, số ra ngày 16/5 khẳng định, lượng điện năng dùng để cung cấp cho hệ thống quạt làm mát và các thiết bị đào Bitcoin trên toàn thế giới sẽ là 7,67 gigawatt điện vào cuối năm 2018. Con số này tương đương 2% lượng điện năng tiêu thụ trên toàn thế giới.
Cũng theo báo cáo nói trên, lượng điện năng tiêu thụ để đào Bitcoin hiện nay trên toàn cầu tương đương với lượng điện tiêu thụ của toàn bộ đất nước Ireland (3,1 gigawatt) và sẽ sớm tương đương với lượng điện năng tiêu thụ của Áo (hiện tại là 8,2 gigawatt).
Cũng có thể hiểu, nếu lượng điện năng tiêu thụ của mỗi người là như nhau, số điện năng mà các “thợ đào” dùng để đào Bitcoin tương đương với mức tiêu thụ điện của 38 triệu người (tổng dân số toàn cầu hiện nay là 7,6 tỷ người).
Mặc dù Bitcoin hay công nghệ Blockchain đang trở thành một công nghệ thanh toán đầy hứa hẹn, mang nhiều tính ứng dụng cao. Tuy nhiên, nó lại mang đến những tác hại tiêu cực tới môi trường.
Giữa tháng 3 năm nay, thị trấn nhỏ Plattsburge thuộc thành phố New York đã ban hành lệnh cấm việc đào tiền mã hoá trong 18 tháng để bảo tồn nguồn sinh thái tự nhiên, sức khoẻ của cư dân và có thêm thời gian tìm hiểu liệu nên làm gì đối với các hoạt động đào tiền mã hóa.