Công Nghệ

Đánh giá robot hút bụi Xiaomi Mi Vacuum: Thiết kế sang chảnh, nhiều tính năng thông minh!

Duy Huỳnh
Chia sẻ

Xiaomi Mi Vacuum với thiết kế độc đáo cùng nhiều tính năng thông minh hứa hẹn sẽ là trợ thủ đắc lực cho bạn trong việc quét dọn nhà thường ngày.

Thoát khỏi hình ảnh những chiếc máy hút bụi khá to và dây nhợ lằng nhằng, mẫu robot hút bụi Xiaomi Mi Vacuum trông nhỏ nhắn với thiết kế ưa nhìn hơn hẳn. Thêm vào đó là lợi điểm về khả năng vận hành tự động cùng nhiều tính năng thông minh khác tạo nên ấn tượng không nhỏ cho người dùng trong cuộc sống bận rộn ngày nay.

Không chỉ để hút bụi mà còn là vật để trang trí

Hình dáng tròn trịa với tông màu trắng chủ đạo, kích thước tổng thể nhỏ gọn 34,5 cm x 9,6 cm và nặng 3,8 kg, robot hút bụi Xiaomi Mi Vacuum dù nằm ở góc nhà nhưng nó vẫn tô điểm thêm sự gọn gàng, hiện đại của căn nhà. Nếu so về “nhan sắc” với những chiếc máy hút bụi truyền thống, đây rõ ràng là một chiến thắng dễ dàng cho đại diện của Xiaomi.

Bên trong thân hình gọn gàng đó là một loạt các cảm biến và bộ phận chức năng từ cảm biến laser đóng vai trò như con mắt để di chuyển (công nghệ đang được áp dụng trên các mẫu xe hơi tự hành hiện nay), cảm biến siêu âm, cảm biến dốc ngăn máy rơi xuống bậc thang, chổi chính, chổi bên hông, khay chống shock, quạt gió, loa, khay rác, lọc bụi…

Các cảm biến và hốc gió được trang bị bên hông, mặt trên và cả mặt dưới của robot

Mở nắp lên là khay chứa rác rất dễ lấy ra và vệ sinh

Mặt dưới của robot hút bụi Xiaomi Mi Vacuum

Mặt trên robot đơn giản với cụm cảm biến nhô cao lên một chút và hai nút bấm tích hợp đa chức năng. Để thao tác trực tiếp với Mi Vacuum đòi hỏi bạn chịu khó đọc hướng dẫn sử dụng để nắm rõ: Nút Power sẽ bật/tắt robot khi nhấn giữ 3 giây, khởi động/tạm dừng việc dọn dẹp nếu nhấn một lần, nút Home nhấn một lần khi đang không di chuyển nó sẽ trở về dock sạc, ngược lại sẽ tạm dừng dọn dẹp,… Bạn tự đọc thêm nhé nếu không thì cứ dùng ứng dụng Mi Home trên smartphone, tablet để điều khiển cho tiện.

Chỉ có hai nút nhưng điều khiển đầy đủ các chức năng trên Xiaomi Mi Vacuum. Tuy nhiên bạn cần đọc hướng dẫn sử dụng để nắm rõ

Xiaomi đã thực sự đầu tư nghiêm túc khi thiết kế nên Mi Vacuum. Đầu tiên là hình dáng tròn trịa không phải chỉ để làm đẹp mà nó còn giúp robot này dễ dàng len lỏi trong nhà mà không bị vướng bởi các góc cạnh. Điểm nhỏ nhưng hay là lớp cản trước máy thiết kế để giảm chấn động khi máy lỡ va vào cái gì đó trong nhà.

Thiết kế giảm chấn động rất hay của Mi Vacuum.

Hẳn bạn sẽ tự hỏi tròn vậy thì làm sao mà làm sạch các góc cạnh ngôi nhà được thì chính cây chổi ba càng nằm ở một bên hông máy sẽ làm nhiệm vụ lùa rác, bụi ra bên ngoài và hút vào sau đó.

Trong Tây Du Ký có quạt Ba Tiêu thì Mi Vacuum có chổi ba càng để thổi bay những bụi bẩn ở các hốc, cạnh tường trong nhà

Chổi này khi hoạt động sẽ thò ra ngoài một chút. Theo hãng, nó có thể quay với tốc độ từ 130 - 330 vòng/giây để đánh bật các bụi bẩn dễ dàng

Nói về dock sạc cho con robot hút bụi xinh xắn này, đây là nơi “ngã lưng, tựa bờ vai” của nó mỗi khi hoàn thành công việc. Để máy có thể nhận diện và tự động quay về, bạn phải cắm điện cho adapter này liên tục. Nhưng bạn không cần quá lo về vấn đề an toàn khi hãng đã tạo nên chuẩn sạc không dây riêng giúp thú cưng hay trẻ em chạm vào cũng không bị gì.

Nơi “ngã lưng, tựa bờ vai” của robot hút bụi mỗi khi hoàn thành công việc

Phong cách đi về tổ nhìn rất cute của Mi Vacuum

Điều khiển từ xa cùng nhiều tính năng thông minh tạo điểm nhấn mạnh mẽ

Không chỉ vẻ ngoài xinh xắn, các tính năng điều khiển tự xa thông qua mạng Wifi và tự động dọn dẹp cũng là điểm làm nên sự khác biệt trước các máy hút bụi truyền thống vốn hoạt động bằng điện cắm trực tiếp và di chuyển bằng “chân tay người dùng”. Tất cả nằm ở ứng dụng Mi Home có sẵn trên Google Play và App Store, khá đáng tiếc khi chưa có cho nền tảng Windows hay Mac OS ở thời điểm hiện tại.

Giao diện điều khiển trong ứng dụng Mi Home

Trong giao diện điều khiển Mi Vacuum, bạn sẽ thấy được bản đồ hoạt động mà nó đã quét và di chuyển trong căn nhà của bạn, bên dưới là các thông số cơ bản và ba nút điều khiển bao gồm trở về dock sạc pin, bắt đầu/tạm dừng dọn dẹp và nút ba mức điều chỉnh các cấp độ hoạt động.

Đây là bản đồ mà em nó đã chạy và quét quanh căn nhà

Thật sự ngay cả với những bạn không rành công nghệ, lười đọc hướng dẫn sử dụng thì chỉ cần kết nối điện thoại với Xiaomi Mi Vacuum là có thể xài ngon lành. Điểm thú vị nhất là ngay cả khi không ở nhà, thông qua ứng dụng này bạn cũng có thể tương tác và bắt con robot hút bụi này hoạt động thông qua chỉ một nút nhấn. Tưởng tượng ngay khi đặt chân vào nhà là toàn bộ rác rưởi đã được dọn dẹp sạch tinh tươm, quả là tiện lợi đúng không nào.

Đơn giản, dễ hiểu, dễ xài, Xiaomi đã làm rất tốt khi ngay cả người không rành công nghệ cũng có thể điều khiển robot

Ngoài ra bạn cũng có thể đặt lịch để robot tự động dọn dẹp. Lịch sử hoạt động cùng các thông số như diện tích dọn dẹp, tổng thời gian dọn dẹp, số lần dọn dẹp, … Nhìn chung mọi thứ đều dễ hiểu lẫn dễ dùng. Chỉ duy nhất một điểm lăn tăn nhỏ là con robot này chỉ “nói” tiếng Anh hoăc Trung mà thôi, chưa hỗ trợ ngôn ngữ Tiếng Việt.

Lên lịch để em nó tự động dọn dẹp, điểm cực kỳ đáng tiền so với máy hút bụi truyền thống

Ứng dụng có thêm phần Care để “chăm sóc sức khỏe” em nó, bạn sẽ biết khi nào đến hạn thay thế các bộ phận như chổi quét chẳng hạn, đảm bảo hiệu suất hoạt động của Mi Vacuum luôn tốt nhất

Nếu một lúc rảnh rỗi hay muốn em nó làm sạch kỹ một chỗ nào đó, bạn có thể trực tiếp điều khiển thông qua ứng dụng Mi Home. Rất dễ làm quen với hai giao diện điều khiển tùy chọn là dạng nút hoặc joystick. Việc bắt con robot nhỏ xinh này di chuyển tới, lui theo ý đôi khi cũng là một thú tiêu khiển mỗi khi bạn ở nhà.

Điều khiển bằng tay, thú tiêu khiển mỗi lúc rảnh rỗi hay đưa cho mấy nhóc ở nhà tận dụng như món đồ chơi điều khiển từ xa cũng là một ý hay

Hoạt động chăm chỉ bù năng suất

Công suất hoạt động ở mức 55 W, khá khiêm tốn nếu so với con số lên tới vài ngàn W của những mẫu máy hút bụi truyền thống. Rõ ràng nếu bạn đang chờ kiểu con robot này chạy qua một phát là sạch ngay thì hẳn sẽ thất vọng nhẹ. Bù lại nó hoạt động đúng chuẩn “chăm chỉ bù năng suất”, chạy qua chạy lại vài vòng để có thể hút sạch bụi bẩn.

Công suất không cao nhưng bù lại Mi Vacuum sẽ chạy qua chạy lại nhiều lần để dọn dẹp hết rác, bụi bẩn mới thôi

Dùng thực tế cho thấy Xiaomi Mi Vacuum có thể làm sạch khoảng 80% các loại bụi bẩn trong nhà hằng ngày. Với những bạn trẻ thường xuyên đi làm bận rộn cả ngày thì mức sạch sẽ ấy là đủ làm hài lòng mỗi tối về thay vì nai lưng cầm chổi quét nhà. Đặc biệt robot này có thể “leo” cao khoảng 1,5 cm, tức tự đi lên được các loại thảm, khăn để làm sạch chúng, khá tiện lợi.

Tuy vậy robot chỉ hợp nhất với những không gian thoáng đãng và bằng phẳng, không nhiều đồ đạc lỉnh khỉnh. Vì cao tới 9,6 cm nên tất nhiên robot hút bụi này không thể chui lọt các tủ hay hộc đồ thấp. Các vật dụng hay để trên sàn nhà như giày dép cũng là “kỳ đà cản mũi” mỗi khi nó hoạt động. Biết “tính nết” của con robot hút bụi này rồi thì bạn cũng cân nhắc sắp xếp đồ đạc khi rước em nó về nhé.

Giày dép để thế này tới cả khi bạn cầm chổi quét nhà cũng khó huống gì robot hút bụi.

Một điểm hy vọng Xiaomi sẽ cải thiện hơn nữa trong các phiên bản sau, đó là độ ồn. Mức mặc định hay Max Speed, Xiaomi Mi Vacuum rõ ràng là “kẻ phá bỉnh không đội trời chung” với mấy con thú nuôi trong nhà khi có thể làm chúng sợ chạy toán loạn. Ở chế độ Quiet, robot hoạt động êm hơn nhưng đồng nghĩa công suất bị giảm xuống và hiệu quả hút bụi cũng bị ảnh hưởng.

Kết

Công bằng mà nói, robot Xiaomi Mi Vacuum không đa năng bằng máy hút bụi truyền thống vốn hỗ trợ nhiều đầu hút/thổi để dọn dẹp những vị trí khó bên cạnh công suất yếu hơn nhiều. Nếu cần một thiết bị hỗ trợ tổng vệ sinh căn nhà thì đây không là thiết bị lý tưởng. Nhưng nếu bạn là người bận rộn, sáng đi tối về thì Xiaomi Mi Vacuum dường như sinh ra để dành cho bạn khi quỹ thời gian dành cho bản thân được dài ra thêm một chút thay vì tự tay quét nhà.

Chia sẻ

Bài viết

Duy Huỳnh

Tin mới nhất