Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Công nghệ số

Đánh giá chi tiết Asus Zenfone 5: 'Ngon, bổ, rẻ' nhưng vẫn còn khuyết điểm

Asus Zenfone 5 là chiếc smartphone tầm trung sở hữu nhiều ưu điểm từ những dòng điện thoại cao cấp như ngôn ngữ thiết kế sang trọng, màn hình tràn viền, camera kép cùng tính năng mở khóa khuôn mặt và tích hợp trí thông minh nhân tạo.

ZenFone, cái tên từng khuynh đảo thị trường smartphone Việt Nam với những sản phẩm rất tốt trong tầm giá. Bằng việc ra mắt thế hệ mới nhất, Asus đã cố gắng trang bị cho ZenFone 5 những gì tốt nhất, khởi đầu cho chặng đường tìm lại một thời vàng son của hãng điện tử Đài Loan.

Trí tuệ nhân tạo (AI) khắp mọi nơi

ZenFone từ khi ra mắt thành công một phần lớn nhờ vào những trang bị tân tiến ở phân khúc giá phổ thông và tầm trung. Nếu như thế hệ 1 và 2 gây ấn tượng với cấu hình mạnh, RAM khủng thì sang thế hệ 5 khi cuộc đua cấu hình không còn nóng nữa, Asus biết cách thu hút người dùng với trí tuệ nhân tạo (AI) - cụm từ rất được nhắc đến rất nhiều thời gian qua. AI cameras, AI Power, AI Charging, AI Call Experience, AI Mobile Experience liệu có biến ZenFone 5 thành chiếc smartphone thông minh nhất?

ZenFone 5, cái tên trùng lại với phiên bản 5 inch của thế hệ đầu tiên có thể sẽ khiến nhiều người hơi ngờ ngợ. Ít nhất ở thời điểm hiện tại, tên cũ cùng thành công trong quá khứ mong sẽ gắn bó với mẫu smartphone mới của Asus. Với những tính năng trang bị cùng mức giá bán 8 triệu cho ZenFone 5, hãng công nghệ Đài Loan có cơ sở tin kỳ tích sẽ lặp lại.

Camera sau chụp tốt nhất phân khúc tầm trung

Khả năng chụp ảnh là yếu tố được quan tâm hiều trên các smartphone hiện nay. Khi những thế hệ trước không được đánh giá cao về khoản này thì với ZenFone 5, Asus cho thấy họ cũng có thể tạo ra được những sản phẩm chụp ảnh chất lượng cao.

Máy nổi bật với cụm camera kép phía sau, một camera độ phân giải 12 MPgiải 12 MP F/1.8, cảm biến Sony IMX363 kích thước 1/2,55 inch giúp kích thước điểm ảnh đạt 1,4 µm (tương đương mẫu flagship hiện nay là Galaxy S9). Camera thứ hai 8 MP F/2.0 sở hữu góc chụp rộng lên đến 120 độ (tương đương tiêu cự 12 mm trên máy ảnh cảm biến Full Frame), kích thước cảm biến ở mức 1/4 inch.

Cụm camera kép được đặt dọc trên ZenFone 5.

Ngoài phần cứng, Asus còn giới thiệu tính năng AI Camera giúp tự động nhận diện hơn 16 điều kiện chụp khác nhau, từ đó tối ưu thông số và màu sắc bức ảnh để có kết quả đẹp hơn. Trải nghiệm thực tế sự hiện diện của tính năng này khá nhạt nhòa, tuy nhiên với người sử dụng quan trọng hơn hết vẫn là ở những bức ảnh mà máy chụp ra.

Camera 12 MP nhờ kích thước điểm ảnh lớn và cảm biến chất lượng đã đem lại kết quả ấn tượng so với đối thủ khác trong cùng phân khúc như OPPO F7, Xiaomi Mi 6X, Galaxy A6+. Trong điều kiện đủ sáng, ảnh cho ra trong trẻo, độ chi tiết cao cùng màu sắc tươi tắn.

Tính năng HDR trên ZenFone 5 hoạt động hiệu quả khi cân bằng giữa vùng sáng, tối khá tốt, chi tiết vẫn giữ được nhiều ngay cả khi trời đã nhá nhem tối.

Có một điểm cần lưu ý là máy tự động cân bằng trắng hơi ngả xanh nhiều, đặc biệt với ảnh HDR tình trạng đó còn rõ rệt hơn khi vùng tối (shadow) bị ám xanh nhiều. Để bức ảnh có màu sắc chính xác và ấm áp hơn, bạn nên chủ động sử dụng tính năng cân bằng trắng cung cấp trong chế độ Pro.

Ảnh HDR chụp cho màu thiên hướng hơi lạnh.

Ngay cả khi không bật HDR, ZenFone 5 tự động cân bằng trắng cũng khiến chất ảnh theo hướng ngả xanh.

WB 5.500K chỉnh tay trong chế độ Pro giúp ảnh có màu sắc gần với thực tế hơn.

Chụp tối, tình trạng nhiễu hạt bắt đầu xuất hiện trên ảnh chụp từ mẫu ZenFone thế hệ thứ 5 nhưng các chi tiết vẫn giữ được độ tách bạch, nổi khối cần thiết vì máy không không khử nhiễu nhiều. Chúng tôi đánh giá cao điều này khi nhìn tổng thể bức ảnh có chiều sâu, không bị bệt lại như nhiều smartphone khác.

Máy giữ chi tiết khi chụp đêm khá tốt, nhiễu hạt ở mức chấp nhận được.

Cập nhật theo thị hiếu, ZenFone 5 cũng có khả năng xóa phông (tất nhiên là bằng thuật toán là chủ yếu vì không có camera tele). Việc giả lập khẩu độ cho phép người dùng có thể điều chỉnh được nhiều mức xóa phông tùy ý. Kết quả cho ra ở mức khá ổn và nó phụ thuộc nhiều vào chủ thể cũng như hậu cảnh phía sau. Điểm trừ khi hoạt động ở chế độ này là máy đôi khi vẫn xảy ra tình trạng đơ và thoát đột ngột. Hy vọng Asus sẽ sớm tung bản cập nhật để tăng tính ổn định hơn.

Máy xóa phông ở mức khá ổn khi vẫn còn lem nhem các vùng chi tiết khó như tóc.

Một tính năng cũ từ thời ZenFone 2 đó là chế độ Siêu Độ Phân Giải vẫn có mặt trên mẫu smartphone mới nhất của Asus. Tính năng này hoạt động hiệu quả khi máy chụp nhiều tấm và ghép lại thành một tấm ảnh độ phân giải lên tới 48 MP. Tuy nhiên trừ khi có nhu cầu in ấn khổ lớn hoặc cần cắt cúp nhiều trong quá trình hậu kỳ thì ảnh độ phân giải 12 MP đã đủ cho hầu hết các nhu cầu chia sẻ, chơi ảnh hiện tại khiến tính năng này ít có đất dụng võ.

Ảnh chụp từ chế độ Siêu Độ Phân Giải mang tới bức ảnh có chất lượng cao.

Nhấn mạnh vào khả năng chụp ảnh, Asus không quên cung cấp cho người dùng chế độ Pro giúp chỉnh tay được nhiều thông số và khả năng lưu ảnh định dạng RAW. Những ai đam mê chup ảnh di động hẳn sẽ tận dụng tối đa tính hữu dụng mà tính năng này mang lại, đặc biệt trong các tình huống chụp như phơi sáng lâu ban đêm hay cần cố định các thông số để có tốc độ, mức thu sáng như ý muốn.

ZenFone 5: ISO 25, F/1.8, phơi sáng 1,3 giây, AWB.

Như đã nói ZenFone 5 còn có camera sau thứ hai là loại Ultra Wide cung cấp góc chụp siêu rộng. Sau LG, Asus là nhà sản xuất thứ 2 đưa camera góc siêu rộng vào sản phẩm của mình trong khi các hãng khác lại ưa thích camera tele hơn. Nếu ưa thích ảnh thể loại phong cảnh trong điều kiện đủ sáng thì hẳn bạn sẽ thích camera góc rộng.

Góc chụp từ camera 12 MP.

Góc chụp từ camera thứ hai trên ZenFone 5.

Hoạt động độc lập hoàn toàn so với người anh em 12 MP, camera góc rộng trên ZenFone 5 có gần như đầy đủ các tính năng để người dụng lựa chọn (trừ chế độ xóa phông và Siêu Độ Phân Giải). Tuy nhiên thông số phần cứng có phần thua thiệt khiến chất lượng ảnh thu được chỉ dừng ở mức trung bình khá.

Camera thứ hai cho kết quả tốt nhất khi hoạt động trong điều kiện đủ sáng. Khi này màu sắc, độ trong trẻo của bức ảnh nhìn khá ổn, chi tiết cũng ở mức khá. Nhưng tính năng Auto HDR trên máy hoạt động chưa thực sự ổn định, chúng tôi bắt gặp một số trường hợp, chỉ cần xê dịch góc máy một chút thôi là kết quả bức ảnh cho ra đã khác nhau.

Chỉ cần xê dịch một chút thôi là tính năng tự động bất HDR trên ZenFone 5 đã hoạt động không hiệu quả khi khiến vùng trời tấm ảnh trên bị cháy mất chi tiết.

Nếu bạn mong muốn có những bức ảnh góc siêu rộng về đêm đẹp ấn tượng có lẽ sẽ phần nào thất vọng, thậm chí ngay cả khi sử dụng chế độ chỉnh tay để phơi sáng lâu. Chi tiết ảnh lúc này mất nhiều, độ tương phản cũng kém nhiều so với những gì mà camera thứ nhất làm được.

ZenFone 5, camera góc rộng 8 MP: ISO 25, F/2.0, phơi sáng 2,5 giây, AWB.

Công bằng mà nói, camera góc rộng là trang bị nhằm tăng thêm tính cơ động trong một số tình huống chụp ảnh. Tuy nhiên tính phổ dụng của nó đôi khi còn bị cạnh tranh bởi chính người anh em 12 MP khi chế độ chụp ảnh panorama cũng có thể cho ảnh rộng tương tự (thậm chí là hơn), trường hợp cần chất lượng cao nhất thì người dùng có kinh nghiệm có thể chụp nhiều tấm và ghép lại sau đó ở khâu hậu kỳ.

Ảnh chụp bằng camera góc rộng.

Chụp panorama trên camera 12 MP thậm chí cho ra ảnh rộng hơn nhiều.

Với đối thủ trực tiếp là OPPO F7, camera trước tỏ ra lất lướt camera sau thì ZenFone 5 ở thái cực ngược lại. Camera selfie của máy không tệ nhưng để nó khiến nhiều hội chị em phải trầm trồ thì chưa tới. Asus vẫn trang bị đầy đủ các tính năng thời thượng như xóa phông, HDR, tự động làm đẹp.

Selfie khi không bật chế độ làm đẹp.

Khi đã bật chế độ làm đẹp, bức ảnh đã trở nên vi diệu ở mức cần có của một tấm ảnh selfie.

Chế độ xóa phông (Chân Dung) bằng camera trước hoạt động khá ổn, đặc biệt khi người dùng đã bật làm đẹp.

Thiết kế đẹp tân thời với độ hoàn thiện cao

Tại thời điểm giới thiệu, ZenFone 5 làm nức lòng hâm mộ khi là một trong những mẫu smartphone Android đầu tiên trang bị tai thỏ với màn hình gần như chiếm trọn mặt trước. Dù hiện nay đã khá nhiều sản phẩm khác cũng có thiết kế mặt trước tương tự nhưng phải công nhận rằng đây là xu hướng thiết kế đẹp hiện đại, tạo ra sự khác biệt đáng kể so với thế hệ cũ.

Điều làm nên điểm khác biệt của ZenFone 5 với đối thủ đến từ mặt lưng. Hiệu ứng ánh sáng tỏa tia đồng tâm theo triết lý Zen của Asus được thể hiện rõ nét và đẹp mắt.

Chất liệu và độ hoàn thiện cũng làm nên điểm cộng cho mẫu smartphone của hãng điện tử Đài Loan. Hai mặt trước sau đều được làm bằng kính bóng bẩy, khung viền kim loại làm tăng vẻ sang trọng cho máy. Asus cũng chăm chút kỹ tới cả các chi tiết nhỏ như khớp nối, lỗ loa, cổng kết nối tạo nên độ liền lạc và chắc chắn của sản phẩm.

Như nhiều smartphone khác cũng làm từ kính và kim loại, ZenFone 5 cũng dễ bị bám bẩn dấu vân tay hai mặt là điều không tránh khỏi. Mặt lưng phẳng khiến máy cũng hơi trơn khi cầm.

Giao diện ZenUI 5 cũng là một sự lột xác so với những người tiền nhiệm trước đó. Hãng đã cố gắng mang tới một vẻ trẻ trung, hiện đại hơn với các biểu tượng được bo tròn nhiều màu sắc. Theo ý kiến của người viết, giao diện mặc định có phần hơi rực rỡ quá mức, chưa tạo nên sự ton-sur-ton với vẻ ngoài sang trọng của máy.

Giao diện ZenUI 5.

 Màn hình hiển thị đẹp

Dù sở hữu màn hình 6,2 inch tỷ lệ 19:9 cùng độ phân giải Full HD (2.246 x 1.080 pixel) khá tương đồng với đối thủ cùng phân khúc nhưng chất lượng hiển thị của máy xứng đáng nhận được lời khen. Máy cho hình ảnh trong trẻo, độ tương phản cao, màu sắc hiển thị chính xác. Độ sáng ở cả mức tối thiểu lẫn tối đa đều rất tốt, bạn có thể dễ dàng trải nghiệm nội dung trên máy ở nhiều điều kiện khác nhau từ ban đêm đến ngoài trời.

Màn hình ZenFone 5 hiển thị màu sắc trong trẻo và trung thực.

Độ sáng tối đa lên tới 550 nit giúp máy hiển thị rõ ràng ngay dưới trời nắng gắt.

Bộ đôi loa ngoài đạt chuẩn stereo cùng khả năng phát nhạc chuẩn Hi-Res, công nghệ âm thanh vòm DTS Headphone:X cùng bộ equalizer Audio Wizard tích hợp sẵn, đây sẽ là lựa chọn đáng cân nhắc với những ai yêu nhạc chất lượng cao.

Trải nghiệm thực tế với hai loa ngoài, âm lượng to hơn đáng kể so với những mẫu smartphone chỉ có một loa. Để ý kỹ bạn sẽ cảm nhận được loa đặt ở cạnh dưới sẽ cho âm lương to hơn so với chiếc ở khu vực loa thoại. Đây không phải là sự bất hợp lý vì trong khi loa thoại hướng thẳng vào người dùng thì loa bên dưới buộc phải phát âm lượng lớn hơn để bù vào lượng bị mất khi phát thẳng ra bên dưới. Về chất lượng, ZenFone 5 mang tới chất âm giàu chi tiết hơn nhưng bạn cũng không nên mong chờ nó sẽ xuất sắc như bộ loa BoomSound trứ danh của HTC ngày nào.

Nghe những bản nhạc đạt chuẩn Hi-Res với tai nghe đi kèm (nó màu trắng trông hơi lạc quẻ với máy màu xanh đen), trải nghiệm âm thanh tốt hơn khá nhiều nếu như so với giải pháp tương tự đến từ đối thủ. Âm thanh trong, độ chi tiết ở dải mid tương đối ổn dù bass và treble vẫn còn hơi thiếu. Tốt nhất nếu cần nghe nhạc chất lượng cao bạn nên tự trang bị thêm một chiếc tai nghe cao cấp hơn.

Máy hoạt động mượt mà, trang bị nhiều tính năng

Khi cuộc đua cấu hình đã bắt đầu nguội lạnh nên việc ZenFone 5 được trang bị vi xử lý Snapdragon 636, 4 GB RAM, 64 GB bộ nhớ trong và hỗ trợ thẻ nhớ ngoài (bạn phải chọn dùng 1 SIM + thẻ nhớ hoặc chỉ 2 SIM) là đủ đầy cho một sản phẩm mức giá 8 triệu. Không phải mạnh nhất nhưng nó cũng không thua quá nhiều khi so với OPPO F7 hay Xiaomi Mi 6X , tất nhiên là vượt trội khi so sánh với hai mẫu Galaxy A6/A6+ mới ra mắt của Samsung.

Thực tế sử dụng, khi chơi game bạn hoàn toàn có thể yên tâm chơi với mức thiết lập đồ họa từ trung bình đến cao. Mức RAM 4 GB đem lại sự an tâm về khả năng đa nhiệm cũng như sử dụng lâu dài trong 2-3 năm sắp tới.

Về phần mềm, ZenUI 5 dựa trên nền Android 8 ngoài khoát lên một giao diện mới còn có nhiều tính năng hay ho như hỗ trợ thao tác điều hướng bằng cử chỉ, chạm đúp để tắt/mở màn hình, chế độ dùng một tay, vẽ hình để khởi động nhanh ứng dụng, …. Đối với một người dùng bình thường, có lẽ là quá nhiều và mất kha khá thời gian để tìm hiểu hết. Nhưng với những bạn thích vọc vạch thì sẽ cảm thấy hứng thú để thử hết những tính năng ẩn giấu sâu bên trong phần cài đặt của máy.

Rất nhiều tính năng tích hợp bên trong ZenUI 5 chờ bạn khám phá.

Một điểm cộng nhỏ là tai thỏ sẽ tự động được tắt đi khi bạn chơi game hay xem video YouTube full màn hình.

Viên pin 3.300 mAh đủ dùng cho một ngày

Với kịch bản dùng 2 SIM, bật 4G, Wifi, Bluetooth, GPS liên tục cùng màn hình để độ sáng tự động, mẫu máy tới từ Asus có thể trụ được khoảng một ngày dùng bình thường của người viết với các thao tác dùng chính là nhận email, tin nhắn Messenger, Zalo liên tục, thi thoảng chơi game và lướt web. Đây là mặt bằng chung đa phần các smartphone hiện nay đạt được. Về khoản này thì OPPO F7 đang là người làm tốt nhất trong phân khúc của mình.

Asus cho biết có trang bị tính năng AI Charging giúp quản lý dòng điện sạc giúp tối ưu thời gian cũng như đảm bảo tuổi thọ viên pin. Hãng công bố máy có thể sạc được 60% pin chỉ trong vòng 38 phút. Thử nghiệm thực tế và kết quả cho thấy với củ sạc đi kèm loại 5V - 2A (đây là loại thông dụng hiện nay, không hỗ trợ sạc nhanh), mất 42 phút để sạc từ 18% tới 60%. Có thể cần tới một củ sạc hỗ trợ Quick Charge 3.0 thì mới có thể đạt được con số mà Asus công bố.

Kết

Trải qua hai năm 2016 và 2017 vô cùng nhạt nhòa tại thị trường Việt Nam, Asus với chiếc ZenFone 5 được trang bị “tận răng” những gì tốt nhất cho một sản phẩm có mức giá 8 triệu đang mong muốn tạo nên cú hít lớn ở phân khúc tầm trung hiện nay.

Có quá nhiều điểm để khen trên ZenFone 5 từ camera sau 12 MP chụp quá tốt, thiết kế hoàn thiện tốt, màn hình đẹp, âm thanh hay, …. Nếu bạn mong chờ màn trình diễn ấn tượng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong mẫu sản phẩm này hẳn sẽ hụt hẫng vì thực tế chúng hoạt động khá mờ nhạt (thực tế thì chúng hoạt động âm thầm và diễn ra trên phương diện thuật toán để tối ưu nên khó thấy sự khác biệt). Nhưng quan trọng hơn hết cái người dùng quan tâm vẫn là trải nghiệm sử dụng, về phần này ZenFone 5 đang làm rất tốt.

Màn trình diễn của AI trên ZenFone 5 khá mờ nhạt nhưng đích đến cuối cùng là trải nghiệm người dùng thì máy đang làm rất tốt.

Tất nhiên còn đó một vài hạt sạn đến từ phần mềm và thuật toán xử lý cần hãng cập nhật cải thiện sớm thời gian tới. Có lẽ bài toán khó nhất mà Asus phải giải lúc này là sau khi có một sản phẩm nổi bật thì hãng cần làm tốt những việc còn lại trong chiến lược kinh doanh sau một thời gian thương hiệu ZenFone lặn ngụp ở nước ta, cộng với việc ZenFone 5 bán ra khá trễ so với các đối thủ.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Duy Huỳnh

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quyên Qui mê tít chợ đêm Vui Phết tại Phú Quốc