Ngày 20/7, Jeff Bezos cùng phi hành đoàn và các thành viên: Mark Bezos, Wally Funk và Oliver Daemen đã bay vào rìa vũ trụ thành công bằng tàu New Shepard của Blue Origin - công ty vũ trụ do Jeff Bezos đứng đầu.
Chuyến du hành này được thực hiện sau chuyến bay của tỷ phú Richard Branson bằng tàu VSS Unity của Virgin Galactic 10 ngày. Hồi tháng 4, SpaceX của Elon Musk cũng chở 4 phi hành gia lên trạm ISS bằng tàu Crew Dragon thành công.
Trong khoảng một thập kỷ qua, các công ty hàng không vũ trụ tư nhân, như Blue Origin, SpaceX hay Virgin Galactic bắt đầu chạy đua vào vũ trụ, mở ra kỷ nguyên mới về chinh phục và khám phá không gian. Những công ty này đang khiến việc tiếp cận không gian hợp lý hơn và hoàn toàn có thể thực hiện được.
"Chúng ta đang đạt được những tiến bộ đỉnh cao khi chứng kiến các chuyến bay thương mại vào vũ trụ của con người", Karina Drees, Chủ tịch Commercial Spaceflight Federation - một tổ chức về thương mại hóa các chuyến bay vào vũ trụ - nhận xét. "Các thế hệ tương lai sẽ coi đây là thời điểm quan trọng, là cột mốc mở đầu cho chinh phục không gian của nhân loại".
Thế nhưng, dù có nhiều điểm tương đồng, mục đích của Blue Origin, SpaceX và Virgin Galactic lại khác nhau cả về phương pháp thực hiện và mục tiêu hướng tới.
Blue Origin - xây dựng đường đến vũ trụ với chi phí hiệu quả
Blue Origin được thành lập năm 2000 bởi người sáng lập Amazon Jeff Bezos. Công ty có trụ sở chính tại Kent, Washington này hoạt động thầm lặng nhiều năm sau khi thành lập, và chỉ thực sự thu hút sự chú ý của công chúng vào năm 2010 khi giành được hợp đồng phát triển trong chương trình Commercial Crew Program của NASA. Kể từ đó đến nay, công ty đã đạt được nhiều thành tựu mà mới nhất là chuyến bay vào rìa vũ trụ ngày 20/7.
Cả hai chuyến bay do Virgin Galactic và Blue Origin thực hiện vừa qua đều là chuyến bay dưới quỹ đạo có phi hành đoàn. Tuy nhiên, Blue Origin đã sử dụng phương tiện cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (VTVL). Tàu chở Jeff Bezos cũng không có người lái, đánh dấu lần đầu tiên một chuyến bay không người lái với phi hành đoàn toàn dân sự được thực hiện.
Mục tiêu hiện nay của Blue Origin là có thể chở con người du lịch vũ trụ ở rìa không gian. Hiện tại, giá vé cho mỗi người chưa được công bố, nhưng thông tin gần đây cho biết người thắng đấu giá và giành được một ghế trên chuyến bay của Blue Origin phải trả hơn 28 triệu USD.
Trong tương lai, Blue Origin hướng mục tiêu tiếp cận không gian với chi phí thấp, đáng tin cậy thông qua các phương tiện phóng có thể tái sử dụng. Nhưng so với Virgin Galactic, tham vọng của Blue Origin còn vượt xa không gian cận quỹ đạo trong tương lai. Công ty hiện phát triển một tên lửa tái sử dụng khổng lồ mang tên New Glenn để chở người và hàng hóa tới quỹ đạo Trái Đất. Chuyến bay đầu tiên của tên lửa này sẽ diễn ra năm 2022.
Gần đây, Blue Origin còn phát triển một trạm đổ bộ Mặt Trăng. Công ty đứng đầu "The National Team" - liên doanh tư nhân đề xuất hệ thống đưa con người tiếp đất trong chương trình khám phá Mặt Trăng Artemis của NASA sắp tới.
Virgin Galactic muốn thống trị ngành du lịch vũ trụ
Tỷ phú Anh Richard Branson thành lập Virgin Galactic vào năm 2004. Công ty có trụ sở chính tại Las Cruces, New Mexico, là doanh nghiệp chuyên về du lịch vũ trụ đầu tiên trên thế giới được niêm yết công khai. Hiện vốn hóa công ty đạt 7,5 tỷ USD.
Hôm 11/7, tàu VSS Unity SpaceShipTwo đã thực hiện thành công chuyến bay vào rìa vũ trụ. So với độ cao 107 km mà tàu của Blue Origin thực hiện, chuyến bay của Virgin Galactic thấp hơn với 80 km. Giải pháp Virgin Galactic khác với tàu của Blue Origin và SpaceX ở chỗ, nó sử dụng một máy bay vũ trụ thay vì tên lửa tái sử dụng. Bản thân máy bay vũ trụ này phải được bệ phóng tên lửa đưa lên một độ cao nhất định, sau đó thả để bay lên không gian xa hơn bằng tên lửa đẩy của chính nó.
Thực tế, VSS Unity chỉ là máy bay vũ trụ cận quỹ đạo, nghĩa là nó không đạt đủ tốc độ để thoát khỏi lực hấp dẫn của Trái Đất. Thay vào đó, nó bay với tốc độ gấp 3 lần âm thanh, khoảng 3.700 km/h, lên độ cao hơn 80 km.
Sau chuyến thử nghiệm này Virgin Galactic chuẩn bị khai trương dịch vụ du lịch vũ trụ trong năm 2022. Mục tiêu dài hạn của công ty là thống trị thị trường du lịch vũ trụ thông qua dòng máy bay vũ trụ VSS Unity SpaceShipTwo, cho phép hành khách trải nghiệm không trọng lực trong thời gian ngắn, với giá vé khoảng 250.000 USD.
SpaceX muốn chinh phục các hành tinh xa
Elon Musk thành lập SpaceX vào năm 2002 với mục tiêu thực hiện các chuyến bay vũ trụ, dịch vụ vận tải không gian và xa hơn là bay đến các hành tinh như sao Hỏa.
Hôm 30/5, SpaceX đã thực hiện thành công chuyến bay lịch sử chở hai phi hành gia NASA. Tên lửa Falcon 9 và tàu vũ trụ Crew Dragon chở các phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) và sẽ đưa họ trở lại Trái Đất trong vài tháng tới. Buổi phóng tàu này cũng đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng khi là lần đầu tiên sau gần một thập kỷ các phi hành gia bay vào không gian từ đất Mỹ, chuyến bay có người lái đầu tiên của SpaceX và lần đầu tiên một tàu vũ trụ do công ty tư nhân phát triển chở người lên quỹ đạo Trái Đất.
Tên lửa Falcon 9 là phương tiện chủ chốt của SpaceX với 85 chuyến bay trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, công ty đang phát triển loại tên lửa tái sử dụng mới, cũng như mẫu tên lửa kiêm tàu vũ trụ Starship tái sử dụng hoàn toàn, đưa cùng lúc 100 người lên sao Hỏa.
Trong những cuộc phỏng vấn gần đây, Elon Musk đặt tham vọng về việc "thực dân hóa sao Hỏa". Ông cho biết mục tiêu dài hạn của SpaceX là chinh phục "hành tinh Đỏ" và đưa người lên đây sớm nhất vào năm 2026.