Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Công nghệ số

Đài VTC phát hiện 260 trường hợp vi phạm bản quyền ASIAD 2018

Chỉ sau 2 ngày chính thức lên sóng ASIAD 2018, Đài VTC đã phát hiện 260 trường hợp vi phạm bản quyền ASIAD 2018, nhiều nhất là trên Facebook lên đến 185 tài khoản vi phạm, trên YouTube và các trang web phát lậu cũng bị phát hiện đáng kể.

Một kênh YouTube vi phạm bản quyền trận đấu giữa Olympic Việt Nam và Bahrain.

Theo nguồn tin từ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, chỉ sau 2 ngày chính thức lên sóng ASIAD 2018, Đài VTC đã phát hiện 260 trường hợp vi phạm bản quyền ASIAD 2018, nhiều nhất là trên Facebook lên đến 185 tài khoản vi phạm, trên YouTube cũng phát hiện 35 kênh vi phạm và 38 trang web phát lậu cũng bị nhóm rà soát đưa vào danh sách vi phạm bản quyền. Hình thức vi phạm chủ yếu là phát trực tiếp (livestream) các môn thi đấu trong khuôn khổ ASIAD, chủ yếu là các môn có vận động viên Việt Nam thi đấu.

Đặc biệt, trong trận Việt Nam gặp Bahrain tối 23/8 bùng phát hiện tượng nhiều kênh phát lậu cả trên web, YouTube và Facebook. Có tới 130 link YouTube và Facebook livestream trận đấu hôm đã bị đội ngũ của VTC phát hiện và report.

Theo ông Nguyễn Lê Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Nội dung số - Đài VTC, trong hai ngày đầu tiên lên sóng ASIAD, VTC đã ghi nhận tương đối nhiều kênh phát lậu. Trước đó, VTC đã chủ động làm việc với YouTube để thiết lập chế độ chặn tự động với các tài khoản tại Việt Nam vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, rất nhiều tài khoản vẫn cố tình dùng thủ thuật lách bộ lọc tự động của YouTube.

Họ lấy nhiều luồng tín hiệu khác nhau, lúc thì VTC3, lúc VTC1, lúc lại lấy từ VOVTV hoặc từ ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sau đó họ tìm các cách xử lý về âm thanh, hình ảnh để bộ lọc của YouTube không thể tức thì phát hiện.

VTC bắt buộc phải kết hợp cả report thủ công để ngăn chặn triệt để hơn trong tối qua. Đến sáng nay thì vấn đề bản quyền trên YouTube cơ bản được xử lý.

Cũng theo ông Lê Tân, cơ chế bảo vệ bản quyền của YouTube khá tốt. Họ cung cấp cho VTC content ID để thực hiện việc này. Nhưng với Facebook thì việc ngăn chặn vi phạm bản quyền phải làm thủ công hơn. Mặc dù trước đó, VTC đã gửi các xác nhận bản quyền với đại diện Facebook châu Á nhưng khâu xử lý vẫn mất thời gian.

Ông Tân cũng cho biết, một số đơn vị trong nước đã vi phạm khi phát lậu nội dung lên OTT nhưng chưa được VTC cấp quyền tiếp phát sóng. Trong vấn đề bản quyền, VTC chắc chắn phải kiểm soát toàn bộ vi phạm, đặc biệt trên môi trường kỹ thuật số. Nếu bị vi phạm, khán giả sẽ là đối tượng chịu thiệt hại đầu tiên khi phải theo dõi nội dung với chất lượng kém. Còn VTC, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực ở nhiều phương diện.

Ngày hôm qua, 24/8/2018, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã có văn bản gửi cho Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) vào cuộc để xác minh đầu mối tại Việt Nam đã cung cấp dịch vụ hỗ trợ Xôi Lạc TV (xoilac.tv) thu tín hiệu trái phép các nội dung ASIAD 2018 từ kênh VTC3 sau khi VOV/VTC có bản quyền ASIAD 2018 ở Việt Nam. Đầu mối trong nước này được cho là cung cấp dịch vụ mạng phân phối nội dung (CDN) cho Xôi Lạc TV phát trực tuyến từ máy chủ đặt tại nước ngoài.

Chỉ một ngày sau khi có sóng ASIAD 2018, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC đã có văn bản đề nghị Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử hỗ trợ xử lý một loạt các trang web vi phạm bản quyền nội dung ASIAD 2018. Theo thông tin mà Đài VTC cung cấp, có hàng chục trang web và hàng trăm tài khoản mạng xã hội đã vi phạm bản quyền ASIAD bị VTC phát hiện.

Trước đó, khi VOV/VTC chưa có bản quyền ASIAD, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã rà soát và phát hiện một số trang có tên miền .vn đã phát trực tiếp (livestream) hai trận đấu đầu tiên của Olympic Việt Nam với Pakistan và Nepal. Cục đã gửi văn bản cho 3 doanh nghiệp của Việt Nam có cung cấp dịch vụ hosting cho các trang web để yêu cầu rà soát tính pháp lý và đảm bảo nội dung cung cấp phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý nội dung thông tin trên Internet và nội dung truyền hình.

Cụ thể, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã yêu cầu VNG thực hiện rà soát đối với trang talktv.vn, FPT rà soát trang bongdapro.vn, công ty Long Vân Soft Solution JSC rà soát trang tv.beeb.vn và báo cáo về Cục trước ngày 27/8/2018. Nếu xác minh được vi phạm của các trang này sẽ tiếp tục có biện pháp xử lý.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo ICT News

Được quan tâm

Tin mới nhất