Rời ghế Giám đốc Facebook Việt Nam, bà Lê Kiều Diệp Trang gây bất ngờ khi đầu quân cho Go-Viet, startup trong lĩnh vực gọi xe với sự hậu thuẫn của Go-Jek, trong vai trò CEO. Song thậm chí còn bất ngờ hơn khi chỉ vỏn vẹn 5 tháng sai đó, bà Trang và Go-Viet đã được ai nấy đi.
“Chúng tôi đã nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận giữa các bên nhưng đã không có kết quả như mong đợi,” đại diện Go-Viet chia sẻ về sự thay đổi nhân sự cao cấp này. Về phần mình, bà Trang không có chia sẻ về sự ra đi, đồng thời cũng bỏ ngỏ những thắc mắc về điểm đến tiếp theo trong tương lai. Sự ra đi của bà Trang sau một thời gian ngắn cho thấy những vấn đề hóc búa và rắc rối ở mảng nhân sự mà các startup có thể phải đối mặt, ngay cả đối với nhân sự cao cấp.
Cái khó của startup công nghệ trong tìm kiếm nhân sự
“Ai cũng biết học sinh, sinh viên Việt Nam rất giỏi toán, được học nhiều môn khoa học tự nhiên. Vậy mà khi tốt nghiệp đại học, chúng ta lại thiếu rất nhiều người làm về phân tích số liệu,” bà Trang chia sẻ tại Business Forum 2019 do Forbes tổ chức hồi trung tuần tháng 8.
Theo bà Trang, những người làm và giỏi về số liệu thì lại không hiểu về kinh doanh, trong khi đó những người làm về kinh doanh lại không vượt qua được rào cản để bước chân sang lĩnh vực công nghệ. Thực tế này khiến việc tìm kiếm nhân sự cho startup, đặc biệt là startup công nghệ, không hề dễ dàng.
Có lẽ cũng chính vì lý do này mà bà Trang nói rằng khi nhắc đến “nhân lực”, bà thường muốn sử dụng từ “nhân tài”. Cũng theo bà Trang, mọi công nghệ đều bắt đầu từ con người. Vì thế, nguồn nhân lực là cực kì quan trọng.
Sự thích nghi là điều quan trọng nhất
Khi còn ngồi ghế CEO Go-Viet, bà Lê Kiều Diệp Trang chia sẻ rằng khả năng thích nghi là yếu tố quan trọng nhất mà mong muốn được nhìn thấy ở nhân sự của mình. Song theo bà kinh nghiệm cũng rất quan trọng bởi càng có nhiều kinh nghiệm thì con người càng thích nghi nhanh.
“Tuy nhiên, một người đi làm mười năm nhưng công việc cứ đều đều thì không khác gì đó là kinh nghiệm một năm mà diễn ra 10 lần,” bà Trang lấy ví dụ. “Còn nếu kinh nghiệm 10 năm mà mỗi năm mỗi khác thì sẽ giúp họ tích luỹ được nhiều.”
Khi còn ở Go-Viet, bà Trang cũng có mong muốn biến startup này thành một “trường học” và nhân viên có thể thử và sai để tích luỹ kinh nghiệm và phát triển bản thân.