Công nghệ sinh ra để làm cuộc sống con người dễ thở hơn, đồng thời làm hộ chúng ta những công việc nhất định trong cuộc sống để có thể tiết kiệm thời gian, công sức cho những vấn đề khác. Tuy nhiên, nó cũng đem lại những khía cạnh bất cập, khi có vẻ như dần dần chúng ta không còn có khả năng nhớ chính xác được một dãy số điện thoại, bỏ mất thói quen đi dạo, giảm tương tác với mọi người xung quanh… Vậy đâu là những kỹ năng đang bị mai một nhiều nhất do sự phát triển của công nghệ, và làm cách nào để chúng ta có thể lấy lại chúng?
1. Định hướng đường đi địa lý
Với sự nở rộ của ứng dụng tìm đường và tính năng tích hợp bản đồ vệ tinh, con người ngày nay thậm chí không sợ bị lạc nữa mà còn có thể nhờ hệ thống phát hiện trước những cung đường hẹp, tắc hoặc có sự cố tạm thời để từ đó chuyển hướng khác đi nhanh hơn. Đó là một tác dụng rất tốt và không có gì đáng chê trách, nhất là khi bạn sống ở môi trường giao thông “khắc nghiệt” như trung tâm thành phố.
Nhưng lệ thuộc quá vào nó cũng có mặt trái và nhiều bất trắc đi kèm. Điều gì sẽ xảy ra nếu như điện thoại hết pin và bạn bị mắc kẹt trong tình trạng bối rối khi không biết làm gì? Hay mạng di động bị gián đoạn trong khi bạn chưa kịp tải bản đồ về bộ nhớ máy? Cuối cùng là lầm đường lạc lối không biết đi đâu, hoặc phải đi dò la hết người này đến người khác làm mất thời gian hơn rất nhiều.
Có lẽ một tấm bản đồ giấy dự phòng trong túi sẽ giúp ích hơn rất nhiều, vì khi tra bản đồ giấy, bạn sẽ phải định hướng cẩn thận một cách thủ công, xác định xem mình đang quay về hướng nào, chứ không có chuyện để la bàn và công nghệ tích hợp dẫn đường từ A-Z nữa. Hoặc chí ít nếu vẫn giữ thói quen xem bản đồ ứng dụng, hãy để tâm hơn đến cung đường mà mình đang đi để dần làm quen, chứ đừng phó mặc toàn bộ cho trợ lý chỉ đường.
2. Ghi nhớ số điện thoại
Tương tự như tình trạng lạc đường khi không có ứng dụng bản đồ, bạn cũng sẽ rơi vào tình thế rối bời không kém khi điện thoại hết pin, có việc cần kíp mà lại… không nhớ nổi một số điện thoại để gọi nhờ trợ giúp. Đó chính là vấn đề lớn, khi mà ai cũng nghĩ rằng “chúng ta sẽ không cần phải nhớ dãy số nào vì chúng ta đã có điện thoại làm nhiệm vụ ghi nhớ hộ.”
Tất nhiên, phương pháp khắc phục ở đây lại là cách ghi nhớ cổ điển mà thôi, nhưng bạn cũng không cần quá cứng nhắc mà hãy giữ vài số điện thoại của người nhà, bạn bè thân thiết nhất định là ổn rồi. Có những cách được nhiều người áp dụng để tự bắt bản thân nhớ số điện thoại, chẳng hạn như cố tình xóa số khỏi danh bạ và dần học thuộc để quen với việc không cần sự trợ giúp của điện thoại… Dù thế nào thì đây cũng là điều được nhiều người khuyến nghị, vì có những lúc bạn sẽ không bao giờ biết trước được mình gặp sự cố bất ngờ nào để mà nhờ đến sự trợ giúp đâu.
3. Tương tác với người lạ
Ngày xưa, việc nói chuyện với người lạ để hỏi han về chuyện gì đó diễn ra như một điều tất yếu và bình thường, nhưng ngày nay, dường như nó đã bị hạn chế đi nhiều vì sự có mặt của công nghệ muôn nơi, đặc biệt là smartphone. Thậm chí những công việc với đặc thù giao tiếp là bắt buộc cũng dần bị đào thải như thu ngân bị thay thế bởi máy quét và trả phí qua thẻ, điện thoại…
Chính những nguyên nhân đó đã khiến chúng ta không hề biết đến những mặt tích cực của việc giao tiếp và làm quen trực tiếp với người khác. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tâm trạng, sức khỏe và cà kiến thức của mỗi người sẽ tích cực lên rất nhiều khi có sự tương tác tốt với người khác.
Đáng buồn là kỹ năng này đang dần có xu hướng giảm xuống khi smartphone và mạng xã hội với các ứng dụng liên lạc gián tiếp lên ngôi. Không còn nhiều khoảnh khắc con người bỏ thời gian ra đến gặp nhau để tìm hiểu rõ hơn cả những nét giao tiếp khác, hay có khi chúng ta cũng đang cố tình “lười” làm việc đó và lệ thuộc vào smartphone.
Để có thể trở thành một con người năng động, tích cực hơn trong vấn đề giao tiếp, hãy tự đặt ra một vài giới hạn đơn giản ban đầu cho bản thân để tuân theo. Chẳng hạn, thay vì cắm mặt vào điện thoại khi đang trên đường đi làm, hãy để ý xem có ai đang tỏ ý muốn nói chuyện bâng quơ hoặc ít nhất hãy ngẩng mặt lên một chút. Đừng coi smartphone như một thứ mặc định bạn phải nhìn vào mỗi khi không biết làm gì trong ngày, mà hãy thử mạnh dạn tìm kiếm tương tác với mọi người khác để hiểu nhau hơn.
4. Nhẩm toán
Lần cuối cùng bạn có thể tự nhẩm tính trong đầu mà không cần máy tính là khi nào?
Đúng vậy, bạn sẽ thông thạo từng thao tác nhập số vào ứng dụng máy tính nhưng việc thao tác não bộ thì lại bị trì trệ và chậm chạp dần. Nói cách khác, công nghệ đã làm hộ chúng ta gần như mọi công đoạn, việc còn lại chỉ là check đáp án mà thôi.
Thực ra biết nhẩm toán không hẳn là kỹ năng to tát giúp bạn sinh tồn hay làm điều gì tương tự trong cuộc sống, nhưng đâu đó vẫn có lúc chúng ta cần đến nó để phục vụ nhu cầu xung quanh mình. Nhiều người nghĩ rằng duy trì sự nhanh nhạy để làm vài việc vặt là đủ, nhưng nó còn nhiều hơn thế. Bạn sẽ không cần phải lôi điện thoại ra tính giá tiền khi đi mua sắm hoặc ăn uống, tự kiểm soát chi tiêu hằng ngày, tính toán tỷ lệ khi nấu nướng, thời gian ước tính để đi hết quãng đường…
Đừng nói rằng bạn sẽ phải lôi smartphone ra mỗi lần làm những việc cỏn con đó nhé! Công nghệ tuyệt vời - điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta cho phép bản thân làm mất đi những giá trị và kỹ năng cần thiết vốn có. Nếu được một lần, hãy thử sống xa khỏi sự hiện diện của công nghệ quanh ta một ngày xem, bạn sẽ nhận thấy sự mới mẻ tích cực đến bất ngờ đó.