Chủ tịch tập đoàn Samsung - Lee Kun Hee đã qua đời vào sáng hôm nay (25/10), hưởng thọ 78 tuổi. Nguyên nhân qua đời của Chủ tịch Samsung không được tiết lộ, chỉ biết rằng gia đình ông sẽ tổ chức tang lễ riêng tư.
Cố Chủ tịch Lee Kun Hee là người đã dẫn dắt Samsung trong hơn hai thập kỷ. Dưới sự dẫn dắt của ông, Samsung từ một tập đoàn chỉ được xem là nhà sản xuất TV giá rẻ trong mắt người phương Tây, đã vươn lên thành một trong những tập đoàn tăng trưởng bật nhất thế giới, với sản phẩm có mặt ở mọi nơi trên toàn cầu.
"Thành quả này không phải đến từ tình cờ mà đến từ quyết định ngày càng tập trung vào nhân sự của chủ tịch Lee Kun Hee", Giáo sư Ka Jae San, cựu Giám đốc nhân sự với hơn 25 năm kinh nghiệm làm việc tại Tập đoàn Samsung, từng chia sẻ tại chuỗi sự kiện "What Makes Samsung Giant" và "Bí Kíp Quản Trị Nhân Sự" do GPO Corp cùng MBA Andrews phối hợp tổ chức.
Xem thêm: Cố chủ tịch Lee Kun Hee, người dẫn dắt Samsung trở thành đế chế hàng đầu thế giới
Một trong những thay đổi đưa Samsung trở thành tập đoàn điện tử lớn nhất toàn cầu, tính theo doanh thu, đến từ triết lý sẵn sàng thay đổi mọi thứ, ngoại trừ vợ và con, của cố Chủ tịch Lee Kun Hee.
Cụ thể, vào năm 1987, khi người sáng lập Samsung Lee Byung-chul, cũng là cha ruột của ông Lee Kun Hee, qua đời, ông đã đứng ra đảm nhận trọng trách tiếp quản đế chế Samsung.
Dưới thời của ông, Samsung liên tục có những sự thay đổi về chiến lược. Ban đầu, Chủ tịch Lee Kun Hee quyết định thay đổi cách làm việc của Samsung bằng cách không đến công ty. Thay vào đó, ông làm việc tại nhà ở ngoại ô Seoul, và nhất định không nghe điện thoại cũng như tiếp khách.
Chủ tịch Samsung muốn các quản lý cấp dưới của mình phải tự ra quyết định và chịu trách nhiệm trước các quyết định đó. Với thay đổi này, giá trị vốn hóa của Samsung tăng gấp 2,5 lần sau 6 năm từ 1988-1993.
Tháng 6/1993, Chủ tịch Lee Kun Hee cùng các lãnh đạo cấp cao của Samsung đã quyết định có một chuyến thị sát tại nhiều quốc gia, để tìm hiểu xem, Samsung đang ở đâu trên toàn cầu.
Kết quả chẳng mấy vui vẻ, bởi ở một cửa hàng điện tử nằm ở phía Nam California, ông thấy những chiếc TV hiệu Sony và Panasonic được xếp ở kệ trưng bày mặt tiền, còn TV Samsung bị đặt ở một chiếc kệ thấp hơn nằm phía sau và đóng đầy bụi.
Khi đoàn thị sát tới Frankfurt, Đức, ông Lee Kun Hee nhận được bản báo cáo từ một cố vấn người Nhật tại Trung Tâm Thiết Kế Samsung.
Bản báo cáo phơi bày những thực tại đáng buồn, trong đó có việc cả 1 văn phòng với hàng trăm nhân lực hoạt động hết sức yếu kém. Tình trạng này thậm chí còn tệ hơn, khi cả một dây chuyền kiểm tra sản phẩm nằm phủ bụi nhiều tuần chỉ vì hỏng ổ cắm điện mà không ai sửa.
Phẫn nộ với sự thờ ơ của các nhân viên dưới quyền, Chủ tịch Lee Kun Hee đã triệu tập 1 cuộc họp khẩn cấp với hàng trăm lãnh đạo cấp cáo của Samsung Electronic tại Frankfurt (Đức).
Cuộc họp kéo dài 3 ngày về sau này được nhắc tới với cái tên "Tuyên ngôn Frankfurt 1993". Bước ngoặt đến với Samsung cũng kể từ đó, khi tại căn phòng khách sạn, Chủ tịch Lee Kun Hee đã ra tuyên bố chính sách “Quản lý mới”, với câu nói bất hủ “Hãy thay đổi tất cả, trừ vợ con bạn”, ngụ ý rằng mỗi nhân viên cần thay đổi hết mình ngoại trừ vợ và con.
Đây chính là sự bắt đầu cho một quá trình cải tổ ở Samsung, mà nhờ vậy mới có một kỳ tích một Samsung hàng đầu như ngày hôm nay.
Xem thêm: Chủ tịch Lee Kun Hee qua đời, ai sẽ là người kế tiếp lèo lái Samsung?