Nguồn tin được đăng tải trên PC Gamer cho biết, một chiếc máy tính xách tay Samsung NC10-14GB 10,2 inch chứa 6 loại virus và trojan nguy hiểm nhất thế giới đã từng gây ra tổng thiệt hại 95 tỷ USD trên toàn cầu đang chuẩn bị được mang ra bán đấu giá.
Theo nhiều người, chẳng hiểu ban tổ chức cuộc đấu giá này nghĩ gì khi chọn một chiếc máy tính nguy hiểm nhất thế giới để mang lên sàn đấu, thay vì đặt nó trong va li và ném xuống đáy biển hoặc quẳng nó đến một nơi không thể làm tổn thương bất cứ ai. Sau đây, hãy điểm qua danh sách 6 loại virus, trojan tồn tại trong chiếc máy tính nguy hiểm nhất thế giới này:
ILOVEYOU (Love Bug hoặc Love Letter)
Xuất hiện từ những năm 2000 trên máy tính Windows đời cũ, ILOVEYOU bắt đầu lây lan dưới dạng email với chủ đề dòng “ILOVEYOU” và tệp đính kèm “LOVE-LETTER-FOR-YOU.txt.vbs”. Do bản tính tò mò, nhiều người đã giải nén tập tin và đó là lúc Love Bug xâm nhập vào máy.
Malware này nguy hiểm đến mức gây hư hỏng toàn bộ máy tính, ghi đè lên các loại tệp ngẫu nhiên (bao gồm tệp Office, tệp hình ảnh và tệp âm thanh; tuy nhiên sau khi ghi đè tệp MP3 thì vi-rút sẽ ẩn tệp) và tự động lây lan sang máy khác nhờ gửi tệp ILOVEYOU đến tất cả các địa chỉ trong Microsoft Outlook.
Sobig
Năm 2003, Sobig xuất hiện dưới dạng virus và trojan, từ đó bắt đầu lây nhiễm máy tính vào khoảng tháng 8 cùng năm qua email, trước khi tự hủy kích hoạt một tháng sau đó. Sobig hiện vẫn đang là trojan lây lan nhanh mức độ thứ hai chỉ sau Mydoom và người (hoặc tổ chức) đứng đằng sau nó vẫn chưa bị bắt.
Mydoom
Năm 2004, thế giới bắt đầu chao đảo với mối nguy hiểm khác là Mydoom. Trojan này được đặt tên bởi Craig Schmugar, một nhân viên của công ty bảo mật máy tính McAfee và là một trong những người phát hiện sớm nhất về trojan này. Mydoom lập được kỉ lục là trojan lan truyền nhanh nhất cho đến thời điểm hiện nay và chưa có virus nào vượt qua.
BlackEnergy
Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2007 khi được một tin tặc tên Sandworm tại Nga phát tán. BlackEnergy đã tạo ra các bot tự động thực hiện các cuộc tấn công DDoS thông qua thư rác, trước khi hình thành một dạng phần mềm độc hại mạnh hơn gây ra sự cố mất điện lớn ở Ukraine vào tháng 12/2015.
DarkTequila
DarkTequila xuất hiện lần đầu tiên năm 2013 và bắt đầu đánh cắp dữ liệu cá nhân và doanh nghiệp, bao gồm thông tin ngân hàng chủ yếu ở khu vực Mỹ Latinh. DarkTequila được phát tán qua phương pháp phishing và USB có cài phần mềm độc hại.
WannaCry
Mới xuất hiện từ tháng 5/2017, WannaCry đã khiến cho 200.000 máy tính trên 150 quốc gia bị nhiễm độc, với tổng thiệt hại từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD. Sau khi thâm nhập được vào máy tính, nó sẽ mã hoá tất cả những tập tin quan trọng của người bị hại rồi tống tiền họ bằng Bitcoin. Nếu người này không trả ngay thì số tiền sẽ tăng dần và khi đến hạn chót mà tin tặc vẫn không nhận được tiền thì tất cả tập tin này sẽ tự hủy.