Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Công nghệ số

Chân dung GS Trần Văn Thọ, người chuyển giao công nghệ máy trợ thở cho Việt Nam chống dịch Covid-19

Duy Huỳnh (Tổng hợp) Theo dõi Saostar trên google news

Không chỉ chuyển giao công nghệ máy trợ thở cho Việt Nam chống dịch Covid-19, Giáo sư Trần Văn Thọ còn là người đã góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam trong 50 năm qua.

Ngày 30/3 vừa qua, một số phương tiện thông tin đại chúng đăng thông tin Giáo sư Trần Văn Thọ tài trợ 2.000 máy trợ thở cho Việt Nam. Tuy nhiên, GS Thọ đã lên tiếng đính chính thông tin kể trên là sai lệch.

Giáo sư Trần Văn Thọ trong một lần tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tại Hà Nội. (Ảnh: I.T)

Theo chia sẻ của GS Trần Văn Thọ, ông chỉ cùng GS Trần Ngọc Phúc - người sáng lập công ty Metran chuyên sản xuất máy trợ thở cho người bị bệnh về đường hô hấp, để chuyển giao công nghệ máy trợ thở cho Việt Nam chống dịch Covid-19.

Vị giáo sư cho biết, ông đã gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 28/3 và đến ngày 29/3 Thủ tướng rất tán thành đề án này và đề nghị giúp triển khai ngay.

Giáo sư Trần Văn Thọ, niềm tự hào của người Việt Nam tại Nhật Bản

Giáo sư Trần Văn Thọ và phu nhân tại lễ Trao tặng huân chương cho người nước ngoài ở Tokyo ngày 10/5/2018. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Nhật Bản)

Giáo sư Trần Văn Thọ sinh năm 1949 tại Quảng Nam. Năm 1967, ông sang Nhật Bản du học và lấy được bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Hitotsubashi, Tokyo. Ông quyết định ở lại Nhật và vào làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản; sau đó là Phó Giáo sư, rồi Giáo sư Đại học Obirin (Tokyo). Từ năm 2000 đến nay, ông làm giáo sư kinh tế Đại học Waseda, Tokyo.

Ông còn là người khởi xướng và vận động thành lập “Trung tâm kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương” nhằm thúc đẩy giao lưu nghiên cứu giữa Việt Nam với Nhật Bản và các nước trong khu vực.

Giáo sư đã nhận trách nhiệm vận động các cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản, góp phần to lớn cho việc thành lập Trung tâm này vào năm 1993. Kể từ đó, Giáo sư đã tích cực thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa Trung tâm này với các cơ quan nghiên cứu của Nhật Bản.

Ngoài ra, Giáo sư Trần Văn Thọ đã thành lập “Viện nghiên cứu tổng hợp về Việt Nam” thuộc Đại học Waseda, với vai trò là Viện trưởng, ông đã xây dưng nhiều dự án nghiên cứu liên quan đến hội nhập kinh tế Đông Á, phát triển khu vực Mekong…, và phát triển nguồn nhân lực giữa hai nước Nhật - Việt.

Huân chương Thụy Bảo là tặng thưởng của Nhật hoàng dành cho những cá nhân nước ngoài có đóng góp vào sự phát triển chính trị, kinh tế, xã hội Nhật Bản và đóng góp cho sự phát triển quan hệ giữa Nhật Bản với quốc gia của người được trao huân chương. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Nhật Bản)

Hiện Giáo sư đang trực tiếp giảng dạy bằng tiếng Nhật và tiếng Anh cũng như hướng dẫn sinh viên viết luận văn tại Đại học Waseda. Không chỉ các sinh viên Nhật Bản mà còn rất nhiều du học sinh đến từ các nước Châu Á - Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam.

Ngoài hoạt động giảng dạy tại các trường đại học hàng đầu đất nước Mặt trời mọc, giáo sư Thọ còn là thành viên chuyên môn trong Hội đồng tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản, góp phần đưa ra những đề xuất về chính sách kinh tế đối ngoại của Tokyo.

Năm 2018, ông được Bộ Ngoại giao Nhật trao tặng Huân chương Thụy Bảo Tia Vàng hình hoa hồng, ghi nhận những đóng góp vào sự phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước, và thúc đẩy sự hiểu biết về Nhật Bản tại Việt Nam.

Mong muốn dùng những nghiên cứu tâm huyết của bản thân để có thể đóng góp cho quê hương

GS Trần Văn Thọ trong buổi lễ chia tay Đại học Waseda, Nhật Bản. (Ảnh: Internet)

Giáo sư Trần Văn Thọ từng chia sẻ, niềm hạnh phúc và vinh dự đối với cá nhân ông chính là ông có cả 2 quê hương Việt Nam và Nhật Bản. Ông luôn canh cánh trong lòng mong muốn có thể dùng những nghiên cứu tâm huyết của bản thân để có thể giúp nền kinh tế Việt Nam vươn mình mạnh mẽ.

Ngoài những đóng góp góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam trong 50 năm qua, giáo sư Trần Văn Thọ mới đây còn cùng Giáo sư Trần Ngọc Phúc chuyển giao công nghệ máy trợ thở cho Việt Nam chống dịch Covid-19.

Giáo sư Trần Văn Thọ chia sẻ, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông luôn luôn hướng về quê nhà và có những tư vấn riêng cho Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Giáo sư Trần Ngọc Phúc, người sáng lập công ty Metran chuyên sản xuất máy trợ thở cho người bị bệnh đường hô hấp cam kết sẽ chuyển giao sản xuất thiết bị này cho Việt Nam. (Ảnh: VTV)

Vị giáo sư cho biết, trước đó ông đã gặp Giáo sư Trần Ngọc Phúc, người sáng lập công ty Metran chuyên sản xuất máy trợ thở cho người bị bệnh về đường hô hấp, để “bàn về tính khả thi của đề án này” và đã nhận được sự đồng ý.

Ngay sau đó, ông đã nhanh chóng gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 28/3. Chỉ ngay ngày hôm sau (29/3), Thủ tướng đã cho biết rất tán thành đề án này của GS Trần Văn Thọ cùng Giáo sư Trần Ngọc Phúc và đề nghị giúp triển khai ngay.

“Trên thế giới nước nào cũng thiếu loại máy này nên song song với đáp ứng nhu cầu trong nước có thể phát triển thành công nghiệp xuất khẩu máy y tế”, Giáo sư Thọ chia sẻ.

Theo vị giáo sư, Việt Nam trước mắt cần sản xuất 2.000 chiếc máy trợ thở, rồi sau đó sẽ tăng lên 10.000 chiếc trong vòng 3 tháng tới.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Duy Huỳnh (Tổng hợp)

Được quan tâm

Tin mới nhất