Trong tập phát sóng mới nhất của Shark Tank Việt Nam, nhiều người tỏ ra cực kì hào hứng và thích thú trước dự án DATBIKE của Nguyễn Bá Cảnh Sơn. Sau màn gọi vốn, DATBIKE nhận được 60.000 USD đầu tư từ Shark Nguyễn Thanh Hưng cho 1% cổ phần (định giá công ty 6 triệu USD) và 1% khác cho vai trò cố vấn. Bên cạnh dự án xe máy điện đầy táo bạo này, điều người còn chú ý hơn nữa chính là hình ảnh của người đồng sáng lập đầy tài năng.
Đi thật xa để trở về
Từng làm việc tại thung lũng công nghệ Silicon, không khó hiểu khi Shark “công nghệ” Dzung Nguyen nhanh chóng nhận ra gương mặt của Nguyễn Bá Cảnh Sơn. Song, tài năng của Nguyễn Bá Cảnh Sơn đã được bộc lộ từ sớm hơn thế rất nhiều.
Tháng 8 năm 2008, anh nhận được huy chương bạc trong kì thi Olympic Tin học Quốc tế lần thứ 20 được tổ chức tại Ai Cập. Thành tích này dẫn lối để đưa cậu học trò Đà Nẵng đặt chân lên đất Mỹ và ghi danh vào trường Đại học Illinois danh tiếng. Sau hơn 7 năm “lăn lộn” cùng giấc mơ Mỹ, Nguyễn Bá Cảnh Sơn lại bất ngờ trở về Việt Nam với hành trang trong tay là kinh nghiệm kĩ sư phần mềm tại Thung lũng Silicon Valley cùng một tấm bằng Thạc sỹ Khoa học máy tính và một trái tim hoài bão muốn đóng góp cho quê nhà.
Trở về Việt Nam, anh chàng sinh năm 1990 nhận thấy quê hương phát triển hơn song cũng bụi bặm và ồn ào hơn với quá nhiều phương tiện lưu thông trên đường phố. Từ đây, anh ấp ủ phát triển phương tiện xe máy điện theo hướng gọn nhẹ, tiết kiện nhiên liệu và không gây ô nhiễm môi trường. Theo Báo Đà Nẵng, khu tầng trệt của khu chợ Hàn chính là xưởng sản xuất, nghiên cứu sản phẩm đầu tiên của DATBIKE.
Đi 100 km chỉ mất 5.000 đồng
Theo chia sẻ của Bá Sơn trên sóng truyền hình, chiếc xe máy mà anh đang phát triển có công suất ngang một chiếc máy xăng, trong khi đó có thể đi được 100 km mà chỉ cần tới dưới 3 giờ sạc điện cùng chi phí 5.000 đồng. Với xe máy xăng, đề hoàn thiện quãng đường tương đương, bạn sẽ cần đến 50.000 đồng, đó là chưa kể tới những tác động về môi trường.
Bá Sơn cho biết chiếc xe máy của DATBIKE được thiết kế hoàn toàn bởi startup này song hiện tại đang có phần linh kiện, máy móc được sản xuất tại Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan và Hàn Quốc.
Điểm trừ lớn của DATBIKE ở thời điểm hiện tại là giá thành lên tới 59,9 triệu đồng. Dù vậy, Bá Sơn khẳng định anh có thể giảm được giá thành sản phẩm khi quy mô tăng lên. Ví dụ, với 10.000 xe máy bán ra, giá DATBIKE có thể giảm xuống 25 triệu đồng trong khi biên lợi nhuận vẫn duy trì ở khoảng 30% đến 40%. Mục tiêu của Bá Sơn khi kêu gọi vốn là có thể giảm giá thành sản phẩm xuống mức 39,9 triệu đồng. Hiện tại, nhà máy của anh có thể sản xuất được 1.000 xe/ tháng.
Xe điện sẽ là xu hướng của tương lại, nhất là trong bối cảnh người dùng ngày càng có nhận thức cao về môi trường như hiện nay. Thực tế này khiến những dự án như DATBIKE có nhiều tiềm năng để thành công. Song quá trình chinh phục và giành giật thị trường với phân khúc xe máy xăng chắc chắn vẫn sẽ là một hành trình tốn kém và nhiều khốc liệt.