Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Công nghệ số

Các nước khác có dùng Bluezone để chống Covid-19 không?

Đây là câu hỏi của rất nhiều người dân khi được vận động cài đặt ứng dụng Bluezone nhằm truy vết người nghi nhiễm Covid-19.

Hiện có 3 công nghệ phổ biến được áp dụng trên thế giới để truy vết người nghi nhiễm Covid-19, đó là định vị vệ tinh GPS, định vị bằng trạm BTS và xác định tiếp xúc gần thông qua sóng Bluetooth.

Theo thống kê không đầy đủ của Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), hiện có khoảng 40 quốc gia triển khai giải pháp công nghệ để phát hiện các tiếp xúc gần, từ đó hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. 

Các nước khác có dùng Bluezone để chống Covid-19 không? Ảnh 1
Nhiều công nghệ khác nhau đang được phát triển để truy vết người nghi nhiễm Covid-19.
 

Tùy theo đặc thù của mỗi quốc gia mà chính phủ các nước sẽ có cho mình một lựa chọn riêng. Tuy vậy, việc xác định các tiếp xúc gần thông qua sóng Bluetooth hiện được xem là phương án tối ưu hơn cả để tìm ra người nghi nhiễm Covid-19. 

So với các công nghệ khác, việc sử dụng Bluetooth để xác định tiếp xúc gần có độ chính xác cao hơn. Ngoài ra, công nghệ này còn giúp người dùng đảm bảo được quyền riêng tư khi không phải cung cấp thông tin vị trí, dữ liệu không cần lưu trữ trên máy chủ. 

Đây cũng là lý do mà giải pháp xác định tiếp xúc gần thông qua sóng Bluetooth của ứng dụng Bluezone được Bộ TT&TT lựa chọn để đối phó với sự lây lan của dịch Covid-19. 

Nhiều nước trên thế giới cũng có “Bluezone"

Thực tế cho thấy, tuy không sử dụng tên gọi Bluezone, chính phủ nhiều quốc gia Âu, Mỹ đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Bluetooth trong công tác phòng chống dịch bệnh. Hai hãng công nghệ lớn là Apple và Google cũng đang bắt tay nhau phát triển một ứng dụng với tính năng tương tự. 

Hiện Singapore và Dubai (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) đang là những nơi tích cực nhất trong việc sử dụng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp (BLE) để kiểm soát tiếp xúc của người dân.

Các nước khác có dùng Bluezone để chống Covid-19 không? Ảnh 2
Chính phủ Singapore đang vận động người dân sử dụng TraceTogether để chống lại sự lây lan của dịch bệnh. TraceTogether có tính năng và nguyên lý tương tự với ứng dụng Bluezone do Việt Nam phát triển.  

Tại các quốc gia và vùng lãnh thổ này, khi sử dụng phần mềm xác định tiếp xúc, người dân phải kê khai chính xác số điện thoại và phải được cơ quan y tế xác thực. 

Khác với Bluezone, do hạn chế về nền tảng, người sử dụng Android tại các quốc gia này sẽ không có số liệu tiếp xúc với những người dùng iOS và ngược lại. Cũng vì vậy mà ứng dụng truy vết người nghi nhiễm Bluezone của Việt Nam hiện đang được đánh giá rất cao. 

Với Bluezone, chỉ cần cài đặt trên smartphone và bật Bluetooth là mọi tiếp xúc đều được ghi nhận. Không những thế, Bluezone không yêu cầu nhập thông tin cá nhân. Ứng dụng này chỉ lưu dữ liệu trên máy người dùng, tuyệt đối không đưa lên server, không thu thập vị trí.

Các nước khác có dùng Bluezone để chống Covid-19 không? Ảnh 3
Việc tải và sử dụng Bluezone là cách đơn giản nhất để tự bảo vệ bản thân và gia đình khỏi sự lây lan của Covid-19. Ảnh: Trọng Đạt
 

Bluezone chỉ ghi nhận 2 người có gặp nhau lúc nào đó và trong bao lâu, chứ không biết ở chỗ nào. Người dùng Bluezone cũng sẽ được ẩn danh nhờ sử dụng mã ID sinh ra từ hệ thống. 

Người dùng Bluezone sẽ được cảnh báo sớm trong trường hợp từng tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, ứng dụng Bluezone chỉ có thể phát huy có hiệu quả khi có sự tham gia của cả cộng đồng. 

Theo ước tính, cần tới 50 triệu người Việt Nam cài Bluezone mới đảm bảo việc truy vết người nghi nhiễm Covid-19 đạt hiệu quả cao nhất. Thống kê mới nhất cho thấy, tại Việt Nam mới chỉ có 20 triệu lượt tải Bluezone. Do vậy, mỗi người dân cần có ý thức cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone để tự bảo vệ bản thân và cộng đồng. 

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Vietnamnet

Được quan tâm

Tin mới nhất