Công Nghệ

Các công ty công nghệ TQ trước bão covid-19: 'Trong cái rủi, có cái may'

T. Sơn
Chia sẻ

Trò chơi trực tuyến, làm việc, học từ xa và tư vấn sức khỏe trên Internet là một số ngành đón tăng trưởng người dùng ấn tượng ở Trung Quốc kể từ khi virus corona lây lan.

Hàng triệu người Trung Quốc ở Vũ Hán và một số khu vực xung quanh đang bị “nhốt” trong nhà trong bối cảnh virus corona chủng mới (covid-19) lây lan mạnh.

Internet là thứ không ít người tìm đến trong thời gian này để “giết” thời gian hoặc làm việc từ xa. Thực tế này đang giúp nhiều công ty công nghệ cung cấp dịch vụ như trò chơi trực tuyến, làm việc từ xa hay y tế trực tuyến ở quốc gia tỉ dân hưởng lợi từ bệnh dịch.

67.175 người đã nhiễm virus corona tại Trung Quốc đại lục, tính đến 11/2. (Ảnh: AP)

“Trò chơi trực tuyến là đối tượng hưởng lợi lớn nhất từ những gián đoạn mà virus corona gây ra”, nhà phân tích Jialong Shi của Nomura cho biết. Ông nhấn mạnh các tựa game lớn hiện tại ở Trung Quốc đều đón nhận tăng trưởng thời gian chơi của người dùng và doanh thu từ các gói vật phẩm một cách ấn tượng kể từ tháng 1, đó là chưa kể đến sự xuất hiện của các trò chơi mới phát hành.

Honor of Kings (Tencent) là trò chơi dẫn đầu bảng xếp hạng với lượng người dùng hàng ngày vượt mốc 100 triệu trong kì nghỉ Tết Nguyên đán. Thông thường, con số này thường dao động trong khoảng từ 60 triệu đến 70 triệu người.

“Xu hướng này sẽ vẫn duy trì khi nhiều trường học ở Trung Quốc đã hoãn lịch tựu trường sau kì nghỉ tới giữa hoặc cuối tháng 2”, Shi nói thêm. “Học sinh, sinh viên là đối tượng người dùng hàng đầu với trò chơi di động và trò chơi trực tuyến”.

Đồng quan điểm, Sinolinks Securities cũng nói rằng ngành game thu lợi từ dịch bệnh lây lan. Thậm chí, công ty này ước tính lượng người chơi hàng ngày của Honor of Kings có thể đã lên tới mức kỉ lục từ 120 triệu người đến 150 triệu người.

Cũng theo Sinolinks Securities, tựa game gây sốt khác của Tencent là Game for Peace đã thu về doanh thu trong khoảng từ 200 triệu nhân dân tệ đến 500 triệu nhân dân tệ, chỉ trong kì nghỉ Tết Nguyên đán.

Đáng chú ý, trò chơi di động Plague leo lên trở thành trò chơi trả phí đắt khách nhất trên App Store (iOS) của Trung Quốc hồi tháng trước. Nhiệm vụ của người chơi trong trò chơi là phát triển một virus hoàn hảo có thể lây nhiễm cả thế giới.

Được phát hành vào năm 2012 từ Ndemic Creations, Plague cũng từng đón tăng trưởng lượt tải về ấn tượng vào thời điểm Ebola bùng phát năm 2014.

Các dịch vụ video ngắn, vốn là một phương tiện giải trí được nhiều người Trung Quốc yêu thích, cũng đón tăng trưởng tích cực từ hàng triệu người dùng đang bị “phong tỏa” tại quê nhà.

Theo đó, Kuaishou đã thu về 780 triệu lượt xem và 63,9 tỉ lượt tương tác cho chiến dịch lì xì số của mình trong chương trình Gala Năm mới trên CCTV, theo báo cáo của Jefferies.

Với Douyin, phiên bản Trung Quốc của TikTok, Thomas Chong, nhà phân tích của Jefferies dự đoán rằng nó sẽ sớm cho ra mắt nhiều chiến dịch để thúc đẩy tương tác người dùng trong giai đoạn này.

SCMP bình luận lệnh phong tỏa nhiều tỉnh thành lớn ở Trung Quốc không khác gì một cuộc thử nghiệm dự án làm việc từ xa khổng lồ. (Ảnh: AFP)

Người lao động Trung Quốc được kì vọng quay lại làm việc vào ngày 31/1, một tuần sau khi kỉ nghỉ Tết nguyên đán kết thúc, song những diễn biến phức tạp của virus corona đang khiến kì nghỉ tiếp tục kéo dài.

Để kìm hãm sự lây lan, chính quyền nhiều địa phương khuyến cáo doanh nghiệp lùi lịch hoạt động và nhân viên làm việc tại nhà.

Vì thế, các ứng dụng hỗ trợ làm việc từ xa như DingTalk (Alibaba), WeChat Work (Tencent), Lark (ByteDance) hay WeLink (Huawei) nhận được lượng sử dụng tăng vọt.

Theo một thông báo trên mạng xã hội, DingTalk nói nhân sự của hơn 10 triệu nhân sự đã làm việc từ xa trên ứng dụng này vào ngày 3/2. DingTalk cũng trở thành ứng dụng miễn phí được tải về nhiều nhất vào ngày 5/2 với 200 triệu người dùng trong ngày này, theo 36Kr.

Tencent cũng cho biết sẽ nới giới hạn thành viên tham gia họp trong dịch vụ WeChat Work của mình lên con số 300 người. Cùng thời điểm, các dịch vụ học trực tuyến cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm.

“Lượng học sinh theo khóa học của tôi tăng 20%, bao gồm cả những người học trực tuyến”, David Wang, một giáo viên dạy toán - lí, chia sẻ. Anh cho biết nhiều người thích học trực tuyến vì không phải đi lại và có thể xem lại bài giảng sau đó.

Cũng trong bối cảnh bệnh dịch, nhiều người đang lên Internet để dùng các dịch vụ tư vấn sức khỏe tử xa.

WeDoctor Group đã cung cấp 770.000 phiên tư vấn sức khỏe trực tuyến trong khoảng thời gian từ 23/1 đến 30/1, theo người phát ngôn dịch vụ này.

Các phiên tư vấn dịch vụ thường có phí từ 19 nhân dân tệ đến 29 nhân dân tệ, song miễn phí nếu liên quan đến virus corona.

Trong tuần cuối tháng 1, Trusted Doctors cũng xử lý 1,21 triệu phiên tư vấn trên cả nước, gấp bốn lần con số của cùng kì năm trước.

Chia sẻ

Bài viết

T. Sơn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất