Cuộc đua song mã
Tại Việt Nam, trên truyền thông, Apple và iPhone luôn là cái tên được săn đón và quan tâm. Dù vậy, thực tế những gì diễn ra trên thị trường thì ngược lại, Apple không phải là ông vua smartphone đối với người dùng trong nước. Mức giá cao theo đó khiến chiếc điện thoại này khó tiếp cận với người dùng đại trà.
Thị phần của Apple liên tục đi xuống tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2020, theo GfK, với điểm đáng là hồi tháng 3 năm nay với 5,2% miếng bánh thị phần, rớt xuống vị trí số 6 trong số các nhà sản xuất smartphone tại Việt Nam. Hồi tháng 1, Apple có 7,8% thị phần và xếp ở vị trí số 3. Tuy nhiên, công bằng mà nói, thị phần của iPhone tại Việt Nam có lẽ cao hơn con số này bởi các công ty nghiên cứu vốn chỉ tính đến phân khúc sản phẩm chính ngạch và nhóm sản phẩm xách tay không được tính. Trong khi đó, thị trường iPhone xách tay, qua sử dụng lại sôi động ở Việt Nam.
Dù vậy, tạm đặt điều này sang một bên, có thể thấy rõ thị trường smartphone tại Việt Nam hiện đang chứng kiến cuộc đua song mã giữa Samsung và OPPO. Ngược lại với Apple, hai nhà sản xuất này có chiến lược tương tự nhau khi dành nhiều sự quan tâm cho phân khúc điện thoại giá thấp, tầm trung để phủ kín thị trường và các phân khúc người dùng với các túi tiền khác nhau.
Ở thời điểm tháng 3, Samsung có 31,1% thị phần di động tại Việt Nam, trong khi đó con số này của OPPO là 22,4%. Nếu như Samsung đã có nhiều kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam thì việc một cái tên mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam cách đây vài năm là OPPO nhanh chóng có khoảng 1/4 thị trường cũng là điều rất đáng khích lệ.
Chiến lược của những người dẫn đầu
Khác với Apple, những cái tên dẫn đầu thị trường Việt Nam như OPPO hay Samsung đều có chung một chiến lược là đa dạng hoá các dòng sản phẩm mang đến cho thị trường. Bằng cách này, họ có thể phục vụ được khách hàng ở cả ba phân khúc theo giá là giá thấp, tầm trung và cao cấp. Cùng thời điểm, Apple chỉ tham gia ở phân khúc tầm trung cận cao cấp và cao cấp.
Trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ cùng sự phát triển về công nghệ, thực tế cho thấy ở thời điểm hiện tại, người dùng Việt Nam cũng không còn cần phải bỏ ra quá nhiều tiền để có được những trải nghiệm tốt cùng thiết bị di động của mình. Ví dụ, nếu như trước đây, chỉ những chiếc điện thoại cao cấp nhất mới có thể nghĩ đến những tính năng như ba camera hay thậm chí là 4 camera thì ở thời điểm này, nhiều điện thoại tầm trung cũng đã có những tính năng tương tự.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng dành nhiều sự quan tâm dành cho người dùng trẻ. Đây cũng là chiến lược đúng đắn ở Việt Nam khi Việt Nam vẫn là một quốc gia có tỉ lệ dân số trẻ lớn, am hiểu và thích công nghệ. OPPO là một trong những nhà sản xuất đã hái được trái ngọt với chiến lược này.
Năm 2020, OPPO đưa series OPPO A trở lại song tái “định nghĩa” nó với hình ảnh dòng điện thoạid ành cho giới trẻ, cả về ngoại hình cũng như những tính năng đi kèm. “May đo” và định vị rõ ràng cho nhóm người dùng này, những chiếc điện thoại như OPPO A31 hay OPPO A5s đều nhanh chóng trở thành những chiếc smartphone bán chạy nhất tại thị trường Việt Nam trong tháng 4 năm nay, theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường.
Tạm kết
Thị trường di động đầu năm 2020 tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung nhìn chung có những gam màu ảm đạm nhất định khi COVID-19 làm ảnh hưởng đến nhu cầu và kế hoạch mua sắm của nhiều người. Song thực tế này cũng tạo ra cơ hội lớn cho các nhà sản xuất, đặc biệt là ở phân khúc smartphone giá tốt khi tình hình dịch bệnh thuyên giảm và nhu cầu dồn nén của thị trường dần được bộc lộ.