Vào ngày 12/3 vừa qua, Giải thưởng uy tín trong cộng đồng nhiếp ảnh quốc tế HIPA đã công bố bức ảnh đoạt giải cuộc thi là “Hope” (Hy vọng) và trao số tiền thưởng 120.000 USD cho Edwin Ong Wee Kee, chủ nhân của bức ảnh.
Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng bàn cãi nếu như cảnh hậu trường nhiếp ảnh gia người Malaysia tác nghiệp lại khung cảnh người mẹ Việt Nam bế con không được tiết lộ.
Qua bức ảnh hậu trường, có thể thấy có rất nhiều nhiếp ảnh gia đang cùng chĩa ống kính về một chủ thể duy nhất, chụp cùng một kiểu ảnh từ gần như cùng một góc máy. Trong khi đó, người phụ nữ bế con đang ngồi tạo dáng cho những nhiếp ảnh gia này chụp, không khác lắm với những người mẫu được sắp xếp ngồi vào vị trí, tạo dáng cho những “nhiếp ảnh gia” hoàn thành bức ảnh của mình. Tuy nhiên, nếu bạn biết về nhiếp ảnh du lịch, bạn chắc chắn hiểu rằng đây không phải là cách đúng để chụp ảnh con người.
Dẫu vậy, HIPA là giải nhiếp ảnh chung, không phải thể loại ảnh phóng sự. Do đó, bức ảnh của Edwin không vi phạm luật của cuộc thi nhưng điều này cũng khiến nhiều nhiếp ảnh gia không hài lòng.
“Dàn dựng nên một kịch bản để dành được chiến thắng là cách nhanh nhất để đạt mục đích, giúp bạn nổi tiếng dễ dàng hơn, từ đó sẽ giúp bạn giàu hơn. Rồi cơn mưa tiền thưởng và tạp chí nổi tiếng National Geographic sẽ dành cho bạn những suất đi vòng quanh thế giới.
Nhưng hãy tự vấn chính mình: Tại sao bạn lại chọn nhiếp ảnh? Bạn có thực sự yêu thích nó hay chỉ vì muốn trở thành nhiếp ảnh gia nổi tiếng? Và nếu như bạn nổi tiếng thì sao? Bán những bức ảnh của mình để trở nên giàu có? Hay bạn sẽ làm điều gì đó với những bức ảnh chụp để tạo nên một nguồn cảm hứng tốt hơn tới những người xung quanh bạn, và cả thế giới bạn đang sống?
Những người chọn lối đi tắt này thực sự đang đi sai đường vì họ đang quay lưng lại với sự sáng tạo. Sáng tạo không đến từ việc cố gắng trở nên nổi tiếng. Việc chụp lại những kiểu ảnh đã phổ biến từ trước đó, là copy.
Đây là một điều rất đáng buồn”, Picsofasia viết.