Theo Báo Pháp Luật TP.HCM, tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) vừa được Chính phủ trình Quốc hội, Bộ Công an đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy tắc giao thông.
Trong đó, đáng chú ý là quy định trẻ em dưới 12 tuổi không được ngồi ghế phía trước và trẻ em dưới 4 tuổi phải có ghế chuyên dụng.
Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 7 về quy tắc giao thông đường bộ của dự thảo quy định: Trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô chở người không được ngồi hàng ghế trước (vị trí cạnh người lái xe) khi tham gia giao thông đường bộ, trừ trường hợp đối với xe chỉ có một hàng ghế.
Đối với trẻ em dưới 4 tuổi, dự thảo quy định phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em. Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.
Có thể thấy, quy định này trong dự thảo đề cao đảm bảo tính an toàn cho trẻ em trên ô tô khi tham gia giao thông.
Hiện nay, nhiều người vẫn có thói quen cho con nhỏ ngồi ở ghế phụ phía trước, hoặc thậm chí để con ngồi trong lòng rồi lái xe, mà không ý thức được rằng việc này cực kỳ nguy hiểm.
Theo nhiều chuyên gia, trẻ em vốn hiếu động nên nếu bạn để trẻ ngồi ở ghế trước hay để vào lòng và lái xe, điều này có thể xảy ra tình huống trẻ nghịch ngợm, khiến bạn xao nhãng, rất dễ dẫn đến va chạm với xe phía trước hoặc không kịp xử lý tình huống bất ngờ.
Cho dù phụ huynh cầm lái điều khiển xe với tốc độ chậm như thế nào, nhưng nếu trẻ ngồi ghế trước, khi có va chạm xảy ra, tốc độ và lực lúc túi khí bung có thể gây chấn thương cho trẻ.
Trong khi đó, dây đai an toàn của xe cũng khá rộng và chỉ phù hợp với người lớn. Do dây đai an toàn không thể vừa với trẻ, nên điều đó có làm cho trẻ dễ bị lọt ra ngoài, gây nguy hiểm cho trẻ và cả phụ huynh bởi điều này có thể làm cho phụ huynh sao nhãng, dễ dàng lệch tay lái.
Tạp chí tiêu dùng uy tín Consumer Reports từng cho biết, vị trí an toàn nhất dành cho trẻ em dưới 12 tuổi là ở ghế sau.