“France won the game but Croatia won the heart” (Pháp đã thắng trận đấu, nhưng Croatia thì “thắng” được trái tim) là những gì người ta nhắc đến rất nhiều sau trận chung kết World Cup 2018. Với dân số chỉ vỏn vẹn 4 triệu dân, việc đội tuyển Croatia xây dựng được một tập thể lần đầu tiên tiến sâu được tới tận chung kết giải bóng đá lớn nhất hành tinh được xem là một kì tích và (mặc dù không thể chiến thắng) là một câu chuyện cổ tích trong mơ đối với Croatia. Thế nhưng, điều này không phải ngẫu nhiên mà đến. Bên cạnh tài năng của các cầu thủ, đội tuyển Croatia biết rằng họ cần nhiều hơn thế.
Giải pháp chính là công nghệ.
Croatia theo đó là đội bóng duy nhất tại World Cup 2018 sử dụng công nghệ theo dõi và phân tích tiên tiến STATS Edge. Công ty công nghệ có trụ sở tại Chicago này đã theo dõi dữ liệu bóng đá từ năm 1999 và vào tháng 6 vừa qua đã trình làng một nền tảng bóng đá mới sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích khả năng của đội bóng, so sánh lối chơi và thực hiện các phân tích liên quan có tính chất thay đổi cuộc chơi. Bạn thậm chí còn có thể dự đoán cách đối thủ sẽ phản ứng lại một tình huống cụ thể nào đó dựa trên các hành vi của họ trong quá khứ bằng nền tảng này.
Để phân tích một trận đấu, các nhà phân tích thường dành khoảng 5 giờ đồng hồ để “lập trình” trận đấu và xem lại. Với công cụ mới này, máy tính sẽ thực hiện các công việc nặng nhọc nhất và xuất ra chi tiết về trận đấu, nhờ đó các nhà phân tích có thể xem lại chỉ bằng một cú click và không cần phải dùng đến 5 giờ quý báu kia. Đó là 5 giờ có thể được sử dụng để nghiên cứu điểm mạnh và điểm yếu của đối thủ.
“Điều nó mang đến là gắn liền mục tiêu phân tích với video,” ông Ptrick Lucey, Phó chủ tịch mảng trí tuệ nhân tạo của STATS, chia sẻ. “Chúng ta đã có thể làm điều này tại World Cup và Croatia là đội tuyển đầu tiên trải nghiệm sản phẩm này.”
“Nếu bạn xem phát sóng trên truyền hình, các số liệu họ trình bày gần như là vô ích. Chúng không cho thấy bức tranh toàn cảnh và chúng ta cũng không thể dựa vào đó để dự báo đội chiến thắng. Tôi vẫn thường lấy trận bán kết World Cup 2014 là một ví dụ. Đức thắng 7-1 nhưng nếu bạn nhìn vào những con số thì Brazil đã dứt điểm nhiều hơn và có nhiều cơ hội chiến thắng hơn. Nhưng Đức vẫn thắng 7-1.”
Trận đấu bán kết giữa Anh và Croatia cho thấy sự hiệu quả mà STATS Edge mang lại ấn tượng đến mức nào và bằng cách nào nó giúp Croatia khiến đội quân của Gareth Southgate trở nên yếu đuối hơn.
“Anh chơi rất tốt ở giải đấu năm nay và thường thì họ có tỷ lệ cầm bóng tốt hơn đối thủ, ở mức khoảng 53%,” Lucey nói. “Họ có chỉ số bàn thắng kì vọng mỗi trận là 1,5 trong khi đó con số trung bình tại World Cup năm nay là 1,3.”
“Và họ có lối chơi ép sân rất áp lực. Họ làm điều đó rất nhiều và giữ bóng rất nhiều thay vì sử dụng những pha qua người hay tấn công trực tiếp. Đó là lối chơi điển hình của Anh tại World Cup năm nay. Tuy nhiên, nếu xem trận Croatia, bạn có thể thấy Anh cầm bóng ít hơn và nói về lối chơi, họ cũng chơi trực tiếp nhiều hơn. Chưa kể đến việc, Croatia có tới 24 cú sút và tạo ra nhiều cơ hội, chỉ số bàn thắng kì vọng của họ là 2,4 trong khi đó Anh chỉ có 0,7.”
Dưới đây là những gì công nghệ STATS Edge thể hiện giúp Croatia tìm ra được lối chơi hợp lý trước đối thủ mạnh.
Những thông tin như thế này rất phổ biến trong các môn thể thao tại Mỹ như bóng rổ hay bóng chày. Nhưng ở Châu Âu, đặc biệt là khi nhắc đến bóng đá, thì nó lại không được đón nhận quá nồng nhiệt. “Nhiều người nói rằng kiểu phân tích này phá hỏng bóng đá và bạn đang lấy đi mất sự lãng mạn,” Lucey thừa nhận. “Thể thao có tính chất ngẫu nhiên - nhưng nó không ngẫu nhiên như bạn nghĩ. Những người chơi game FIFA trên máy tính có lẽ cũng hiểu rằng con số trong mỗi trận đấu là rất quan trọng. Mọi thứ đang phát triển và bạn có thể đưa ra quyết định tốt hơn nhờ dữ liệu.”
Thế nhưng công nghệ sau cuối cũng không thể thay thế con người.
“Rất nhiều trong số những gì chúng tôi mang đến đóng vai trò hỗ trợ cho ban huấn luyện,” Lucey chia sẻ. “Thật tuyệt khi có công nghệ phân tích mục tiêu hỗ trợ. Bóng đá còn mang cả tính chất ngữ cảnh nữa.”