Đã gần 6 năm kể từ khi Steve Jobs - đồng sáng lập nên Apple mất đi trên cõi đời này. Ông là nguồn cảm hứng cho rất nhiều người vì tài năng và sự nghiệp của mình, nhưng trên hết, chính iPhone mới là điều tạo nên tên tuổi của ông khi xúc tiến nên một bước cách mạng thay đổi thế giới nói chung và làng công nghệ nói riêng mãi mãi.
Đó là một ngày định mệnh - 9/1/2007 - khi Jobs tổ chức buổi giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên của nhân loại tại sự kiện Macworld diễn ra ở San Francisco. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý thực sự không phải những gì khiến thế giới choáng ngợp trong 90 phút thuyết trình đó, mà là những diễn biến đằng sau hậu trường mà chỉ những người trong cuộc mới biết rõ. Và theo Andy Grignon - kỹ sư kỳ cựu tại Apple lúc bấy giờ, thì đó quả thực là “một phép màu”.
Thông thường, những công ty khác ở Thung lũng Silicon khi có các buổi trình diễn ra mắt đều tính toán chi tiết và lên sẵn kịch bản, sử dụng các sản phẩm thử nghiệm mẫu đã qua các thao tác can thiệp trước. Thế nhưng Jobs lại muốn được đứng lên làm chủ một buổi giới thiệu trực tiếp theo đúng nghĩa đen, cầm trên tay một chiếc iPhone thực thụ chính thức.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là chiếc iPhone đầu tiên khi đó… ngập tràn lỗ hổng và lỗi hệ thống. Cụ thể, ngay cả khi đã đến thời điểm ra mắt, các chuyên gia sau đó cũng thừa nhận nó chỉ có thể chạy một lúc chứ không thể phát hoàn thiện một đoạn video dài liên tục mà không bị văng ra màn hình. Gửi email rồi lướt web thì không sao, nhưng lướt web xong rồi vào gửi email thì lại… tiếp tục lỗi.
Do đó, điều này dẫn đến việc đội ngũ hỗ trợ phải tính toán cực chi tiết về một “lộ trình hoàn hảo” - thứ tự sắp xếp các thao tác với máy mà không để xảy ra bất kỳ một lỗi nhỏ nào, trong khi vẫn đảm bảo cho người xem chứng kiến hết những chức năng cần thiết. Ngoài ra, để đối phó với trường hợp lỡ như sóng kết nối không ổn định khiến cho một số tác vụ bị cản trở, Jobs đã phải mang theo gần mình một phụ kiện phát sóng nhỏ của Cingular Wireless. Do vậy, vạch sóng của iPhone đời đầu khi trình diễn luôn ở mức cao nhất, dù cho kết quả thực tế có thể không đúng như vậy.
Đó vẫn không phải là tất cả! Dung lượng RAM khi đó của iPhone chỉ là 128 MB, và vì cơ chế cấu tạo ứng dụng chưa thực sự tối ưu hóa như hiện nay, hệ thống bị chiếm khi khởi chạy app vẫn là khá lớn. Điều này đồng nghĩa với việc iPhone sẽ thường bị gián đoạn do hết RAM, và nhiều khả năng phải khởi động lại cả hệ thống để làm mới dung lượng.
Tất nhiên, Jobs cũng đã chuẩn bị cho mình những “mánh” nhỏ để khắc phục điều đó. Ông sử dụng nhiều chiếc iPhone khác nhau để trình diễn, 1 cho các thao tác cơ bản theo “lộ trình hoàn hảo”, 1 cho lượt ứng dụng đầu tiên, 1 chiếc nữa nếu như cần thêm tác vụ khởi chạy khác…
5 ngày là khoảng thời gian Jobs phải bỏ ra để luyện tập cho thành thục màn trình diễn của mình, và các chuyên gia khi đó cho biết chưa có lần nào là không xảy ra vấn đề gián đoạn cả. Tuy vậy, bất ngờ là trong suốt 90 phút quyết định ở lần ra mắt chính thức, phép màu đã xảy đến và không có một lỗi lầm nào khiến cho màn giới thiệu iPhone bị ảnh hưởng. Nếu không, có lẽ iPhone đã phần nào bị hắt hủi và không có cơ hội được đón nhận, trở thành một trong những cái tên được săn đón nồng nhiệt bậc nhất thế giới ở thời điểm hiện tại rồi nhỉ?
Dù sao thì Apple đã, đang và chắc chắn sẽ ngày một hoàn thiện hơn những sản phẩm, dịch vụ của mình dành cho cộng đồng người dùng. Điều đó cũng đang được thể hiện rất rõ dựa trên vị thế của họ trên trường quốc tế hiện nay. Vì vậy, hãy cùng bỏ qua những chuyện nhỏ trong quá khứ mà tập trung cho một tương lai toàn diện hơn cho fan hâm mộ công nghệ chân chính trên toàn thế giới nhé!
Nếu muốn thấy lại toàn bộ màn giới thiệu chứa đựng “phép màu” của Apple này, hãy theo dõi video dưới đây:
Steve Jobs giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên.