“Bạn yêu bóng đá Việt Nam? Sắp tới trận chung kết quan trọng? Bạn đang hoang mang không biết mua vé ở đâu? Giá vé như thế nào? Đắt hay rẻ…” là nội dung một bài đăng trên fanpage “Bán vé Bóng đá trận chung kết…” Nghe thì có vẻ thú vị và hấp dẫn nhưng đây chính là một hình thức “phe vé” thời công nghệ. Nhiều người thậm chí còn thấy fanpage này chạy quảng cáo để thông điệp của mình lan toả mạnh hơn trên mạng xã hội nhiều người dùng nhất Việt Nam. Đó là một trong rất nhiều những thay đổi trong cách hoạt động của phe vé trong thời đại 4.0.
Bán đã khác, mua vé cũng khác. Việc phân phối vé qua kênh trực tuyến hoàn toàn như trong một số trận đấu gần đây của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng đang khiến dân phe vé phần naò đó lúng tùng. Bên cạnh việc mua lại vé từ những người đã thực hiện đặt vé thành công với giá cao hơn mức giá niêm yết, dân phe vé cũng “tổ chức” săn vé với số lượng lớn người tham gia.
Anh M, một dân phe vé chuyên nghiệp chia sẻ, trong một số đợt bán vé trực tuyến như đợt vừa rồi, nhiều nhóm phe vé đã thuê nhiều người, trong đó chủ yếu là sinh viên, săn vé trực tuyến với mức thưởng cao nếu đặt vé thành công. Dù vậy, anh M. cũng chia sẻ việc bán vé trực tuyến khiến cách này cũng mang tính “may rủi” bởi khả năng những nhóm phe vé mua vé thành công không cao hơn người hâm mộ tự chủ động mua vé quá nhiều. Thực tế, cách thức thuê bạn sinh viên săn vé cũng đã được áp dụng trước đó với hình thức xếp hàng mua vé tại quầy truyền thống.
Thực tế, việc xuất hiện những phe vé với quảng cáo vé số lượng lớn dù không rõ thực hư vẫn khiến nhiều người hâm mộ cảm thấy bức xúc, đặt trong bối cảnh vé phân phối online khó mua và dường như lại hết rất nhanh. Không ít người thậm chí còn tỏ ra ngờ vực về cách bán vé của VFF.