Trong tuần qua, có lẽ một trong những sự kiện được quan tâm nhiều nhất chính là việc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chính thức phân phối vé xem trận bán kết lượt về giữa đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển Philippines trong khuôn khổ AFF Cup 2018 diễn ra trên SVĐ Mỹ Đình qua kênh online. Đến thời điểm này, những chiếc vé đầu tiên cũng đã được chuyển tới tay những người hâm mộ may mắn mua được vé.
Mặc dù vẫn còn những khen chê trái chiều từ cách phân phối vé lần này của VFF, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng phân phối vé trực tuyến là xu thế tất yếu trong bối cảnh công nghệ len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống. Theo đó, không ít cổ động viên tỏ ra bức xúc vì mất nhiều thời gian vẫn không mua được vé nhưng vẫn tỏ ra thông cảm với VFF.
“Nếu như đối với các giải đấu như World Cup, vẫn biết rằng quy mô của nó lớn hơn rất nhiều so với AFF Cup 2018 nhưng ban tổ chức lại có nhiều năm để chuẩn bị cơ sở, hạ tầng,” anh Minh Anh (28 tuổi, Hà Nội) chia sẻ. “Trong khi đó, đối với AFF Cup 2018, VFF hoàn toàn không thể chủ động được đội tuyển Việt Nam sẽ đá trận bạn kết với ai, vào ngày nào hay thậm chí là không loại trừ khả năng đội tuyển Việt Nam có thể không vượt qua được vòng bảng nếu kịch bản xấu nhất xảy ra,” anh này nói thêm. Người hâm mộ này kết luận vì lý do nói trên VFF chỉ có thời gian ngắn để chuẩn bị cho sự kiện bán vé trực tuyến lần này nên những thiếu sót là khó có thể tránh khỏi, đặc biệt là đặt trong bối cảnh đây là lần đầu tiên lượng vé lớn đến vâỵ được phân phối qua kênh online.
Theo thông tin mới cập nhật, VFF sẽ tiếp tục bán vé qua kênh online nếu Việt Nam vào trận chung kết AFF Cup 2018. Đơn vị này cũng sẽ cân nhắc phương án phân phối vé qua một hệ thống bên thứ ba với hạ tầng công nghệ tốt hơn để phục vụ khách hàng.
Được biết, đối tác kỹ thuật phát hành vé bán kết AFF Cup 2018 của VFF là một công ty có tên GMO-Z.com Runsystem - thành viên của Tập đoàn GMO Internet Nhật Bản. Theo thông tin trên website chính thức của công ty này, GMO-Z.com Runsystem chuyên cung cấp các giải pháp và dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường Việt Nam và Nhật Bản.