Đèn chiếu sáng trên tất cả các phương tiện hiện nay đều có 2 chế độ: Đèn pha (đèn chiếu xa) và đèn cốt (đèn chiếu gần). Tuy nhiên, chúng ta không chỉ sử dụng đèn xe vào buổi tối với tác dụng chiếu sáng hay tạo tầm nhìn khi di chuyển.
Rất nhiều người tham gia giao thông nước ta chưa có văn hóa sử dụng đèn chiếu sáng, thường xuyên bật đèn pha chiếu thẳng vào mắt người đi ngược chiều, gây khó chịu và nguy hiểm. Hơn nữa, việc nhiều xe có ánh sáng mạnh, gây lóa trong một thời gian dài rất dễ dẫn đến tai nạn.
Sử dụng đèn để chiếu sáng
Nếu đi trong thành phố, với khoảng cách các xe khá gần, nên sử dụng đèn cốt để quan sát, di chuyển với tốc độ vừa phải và an toàn.
Nếu đi đường quốc lộ, hay các tuyến đường ngoại thành, đường cao tốc nếu là đường có dải phân cách cao quá tầm đèn của xe, hãy sử dụng đèn pha để tầm quan sát được tốt hơn. Tuy nhiên, nếu ở những con đường có giải phân cách thấp hoặc chỉ có vạch liền, vạch đứt, hãy sử dụng đèn cốt để di chuyển, tránh gây lóa cho những xe đi ngược chiều.
Sử dụng đèn thay còi xe
Trường hợp dùng đèn thay còi xe này đã được nhiều chủ phương tiện sử dụng từ lâu. Tất nhiên là để hạn chế tiếng còi xe gây nhức nhối, khó chịu cho mọi người. Bên cạnh đó, giúp người đối diện dễ dàng nhận biết dấu hiệu hơn.
Thông thường vào ban ngày, bạn có thể sử dụng nháy đèn pha để xin vượt. Ánh sáng từ đèn pha sẽ phản chiếu vào gương chiếu hậu, khiến người đi trước biết để nhường đường.
Khi di chuyển vào trời tối, bạn cũng có thể sử dụng nút nháy đèn pha song song với việc bật sẵn đèn cốt phục vụ chiếu sáng. Nếu xe máy của bạn không có nút nháy đèn pha, hãy bật trước đèn cốt rồi sử dụng nút chuyển chế độ đèn cốt/pha ở tay lái bên trái.