The Verge đưa tin, trong nhiều tháng qua, bà Ashley Gjovik đăng công khai trên Twitter những cáo buộc quấy rối, bị theo dõi và những vấn đề liên quan đến an toàn tại môi trường làm việc của Apple.
"Khi tôi mới nêu ra những lo ngại về an toàn tại nơi làm việc hồi tháng 3 năm nay, gần như ngay lập tức tôi đã đối mặt với việc bị trả đũa và hăm dọa. Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho một điều chính xác như thế này sẽ xảy ra", bà Ashley Gjovik chia sẻ với truyền thông.
"Tôi thấy thất vọng về một công ty mà tôi đã yêu quý từ khi còn là một bé gái đã lại đối xử với các nhân viên của họ theo cách này."
Trước khi bị sa thải, bà Ashley Gjovik là một quản lý chương trình kỹ thuật cấp cao của Apple.
Ashley Gjovik cho biết, bà đã bị các quản lý cấp cao hơn cũng như các thành viên trong nhóm làm việc bắt nạt, quấy rối, kỳ thị giới tính. Bà cũng phản ánh tình trạng Apple theo dõi số điện thoại làm việc của nhân viên.
Bà Ashley Gjovik bị đình chỉ công tác từ đầu tháng 8 vừa rồi trong lúc Apple điều tra về một số vấn đề lo ngại do bà nêu ra.
Trước sự việc này, người phát ngôn của Apple là Josh Rosenstock nói: "Chúng tôi luôn coi trọng các mối lo ngại và luôn điều tra kỹ lưỡng mỗi khi một vấn đề được xới lên, và vì tôn trọng quyền riêng tư của mọi cá nhân liên quan, chúng tôi không thảo luận về các vấn đề cụ thể của nhân viên."
Trước đó, một số nhân viên Apple lên án công ty vì không coi trọng quyền riêng tư cá nhân của nhân viên. Gjovik là một trong những người bị buộc phải giao nộp ảnh cá nhân cho các luật sư Apple khi nhóm của bà vướng vào một tranh chấp pháp lý không liên quan vào năm 2018.
Ngoài Gjovik, hàng trăm nhân viên và cựu nhân viên Apple được cho là đã gửi đơn khiếu nại lên NLRB. Trong đó, cựu nhân viên tên Barbara Underwood đã kiện Apple và đòi bồi thường 1,7 triệu USD vì các hành vi quấy rối tình dục, tấn công phụ nữ, cũng như "dùng lời nói, lạm dụng tình cảm và thể chất" đối với đồng nghiệp nam.