The Infomation đưa tin, Apple gần đây đã đưa ra yêu cầu với các đối tác sản xuất như Foxconn và Wistron, phải kiểm tra lý lịch tư pháp với tất cả các nhân viên trong dây chuyền lắp ráp.
Cụ thể, những người có tiền án sẽ bị từ chối tiếp cận các khu vực phát triển và lắp ráp sản phẩm chưa được ra mắt của Apple, trong đó có iPhone thế hệ mới, dự kiến sẽ có tên gọi iPhone 13 Series (hoặc iPhone 12s Series).
Xem thêm: Kính thực tế hỗn hợp của Apple có thể sẽ nhẹ hơn cả iPhone
Bất kỳ ai cũng phải cung cấp giấy tờ tùy thân do chính phủ cấp trước khi vào các cơ sở sản xuất, nghiên cứu. Bảo vệ cũng có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ chi tiết về hoạt động, lịch sử đi lại của các nhân viên sở hữu sản phẩm hoặc linh kiện "nhạy cảm".
Mỗi bộ phận công nhân sẽ được ấn định thời gian tối đa ở lại trong một khu vực sản xuất là bao lâu. Nếu quá trình vận chuyển các linh kiện nhạy cảm giữa các trạm mất nhiều thời gian bất thường, cảnh báo an ninh sẽ tự động kích hoạt.
Các hệ thống máy tính của Apple tại nhà máy sẽ được nâng cấp phần mềm độc quyền chạy trên Mac Mini để kiểm soát lịch trình sản phẩm.
Apple cũng đưa ra quy định mới cho hệ thống camera an ninh. Trong đó, mỗi phòng đều phải có tối thiểu 4 camera để đảm bảo không có điểm mù nào.
Thông thường, quá trình tiêu hủy nguyên mẫu và các thành phần bị lỗi phải được ghi lại. Các thông tin này mới đây đã được Apple tăng thời gian lưu trữ lên tối thiểu 180 ngày.
Cùng với các quy định nhằm hạn chế rò rỉ thông tin iPhone mới, Apple cũng tăng quyền riêng tư nhiều hơn cho các nhân viên của mình. Các đối tác không còn có thể thu thập dữ liệu sinh trắc học như quét khuôn mặt hoặc dấu vân tay từ nhân viên của hãng.
Tuy nhiên, quy định này không áp dụng cho các công nhân tại nhà máy lắp ráp do đối tác của Apple thuê như Foxconn, Wistron.
Xem thêm: Màn hình iPhone 13 lần đầu lộ diện, có một tin rất vui cho iFan