Sử dụng emoji để thể hiện cảm xúc trong những cuộc trò chuyện đã trở thành quy tắc bất thành văn của giới trẻ hiện nay. Emoji xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ tin nhắn văn bản, email, những nền tảng mạng xã hội đình đám và cho đến gần đây nhất là giảng dạy trong trường học.
Một số giáo viên tại Anh Quốc tin rằng việc sử dụng những biểu tượng, từ cười hết mức cho đến buồn rầu, giúp cải thiện việc học của trẻ em.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với các giảng dạy này, một số nhà giáo dục khác cho rằng, thường xuyên sử dụng các emoji trong giảng dạy là làm giảm mức độ “đạo đức” trong giảng dạy, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự thành công về học thuật của học sinh trong dài hạn.
Charlotte Hodgson, một giáo viên tiếng Anh tại trường Đại học Avonbourne ở Bournemouth, Dorset cho biết, emoji thường được cô sử dụng trong các giáo án giảng dạy.
Chia sẻ với tờ Times Educational Supplement, cô Hodgon cho biết: “Tất cả các giáo viên thuộc khoa ngoại ngữ Anh ở đây đều dùng emoji. Tôi nói học sinh tóm tắt một phân đoạn bằng emoji rồi sau đó thể hiện chúng bằng một biểu đồ cho thấy mức độ cảm xúc nhân vật và tìm cách để diễn đạt điều này. Cách này cũng có thể áp dụng ở những bậc học cao hơn.”
Theo cô Hodgson, các biểu tượng cảm xúc là trợ thủ đắc lực giúp cô dạy những học sinh lớp 7 có độ tuổi từ 11 đến 12 với những tiểu thuyết của Shakespeare.
Cô chia sẻ: “Tôi mới vừa dạy cho bọn trẻ tác phẩm “Giấc mộng đêm hè”, khi cả lớp cùng đọc một phân đoạn, bọn trẻ phải tóm tắt phân đoạn này bằng hai biểu tượng emoji và sau đó giải thích vì sao.”
“Emoji chỉ là biểu tượng diễn tả cảm xúc, do đó các học sinh bằng cách nào đó phải giải thích cảm xúc này bằng lời nói hay văn viết. Điều này có thể giúp các thầy cô đánh giá được kỹ năng viết và nói của các học sinh. Các biểu tượng cảm xúc này chỉ là bước khởi đầu chứng tỏ học sinh đã hiểu những gì đã học.”
Cô Hodgson xác nhận, emoji giúp bọn trẻ tiếp thu tốt hơn, chú tâm hơn và kích thích trao đổi giữa các học sinh. Đồng thời, biểu tượng cảm xúc cũng giúp cho những học sinh học tốt thứ tiếng không phải là tiếng mẹ đẻ của mình.
Ở một trường cấp hai tại Stockton-on-Tees, giáo viên ngôn ngữ học hiện đại Luca Kuhlman cũng nhận định rằng emoji là trợ thủ đắc lực trong các bài giảng của ông.
“Nếu cảm thấy đoạn nào đó thích hợp, tôi sẽ thay thế một vài từ trong câu bằng một biểu tượng emoji. Vậy nên bọn trẻ có thể liên tưởng tiếng Pháp với một hình ảnh thay vì một câu dịch trong tiếng Anh.”
“Nếu bạn có thể loại bỏ càng nhiều yếu tố tiếng Anh, bọn trẻ sẽ không cần phải giải thích dài dòng.”
“Ví dụ như emoji với chiếc kính râm thường được dùng để thay thế cho từ 'ngầu'. Và một điều tốt đó là càng ngày càng có nhiều emoji được cập nhật. Hy vọng bản được cập nhật sẽ sớm được ra mắt vì tôi rất thích sử dụng chúng.”
Jon Brunskill, một giáo viên dạy lớp 4, có học sinh từ 8 đến 9 tuổi, tại Reach Academy Feltham, Tây London chia sẻ, học sinh chỉ có thể sáng tạo trong sử dụng ngôn ngữ khi hiểu Tiếng Anh viết tiêu chuẩn.
“Tôi bỏ tiền ra để bọn trẻ được học cách sáng tạo từ ngôn ngữ chuẩn hơn là không và với nhiều đứa trẻ thì nơi duy nhất chúng được học ngôn ngữ chuẩn là tại trường học.”
“Nếu một giáo viên bảo với tôi rằng, ‘tất nhiên là tôi hiểu phải diễn đạt tiếng Anh chuẩn như thế nào, tôi có bằng giáo viên cơ mà. Đó là lý do vì sao tôi được đi dạy và trả lương, nhưng tôi không muốn dùng chúng để giảng dạy mà thay vào đó là emoji’, tôi nghĩ rằng đây thật sự là một thiếu hụt về đạo đức.”
Clare Sealy, Hiệu trưởng trường St Matthias tại Đông London chia sẻ: “Là một trong những người dạy học, chúng tôi không có thời gian để lãng phí thời giờ của mình vào những thứ đánh đố như là emoji. Nó giúp có thể giúp học sinh xây dựng được vốn từ?”
“Ai lại dùng emoji trong một ngữ cảnh chuyên ngành? Liệu lần cuối cùng mà các bác sĩ gửi cho bạn một emoji là khi nào? Hoặc bạn có nhận được chúng từ luật sư hay quản lý ngân hàng chưa?”
Khác quan điểm, Anthony Radice, phó hiệu trưởng tại trường Great Yarmouth Charter Academy chia sẻ: “Vai trò của chúng tôi là giới thiệu cho học sinh những điều mới mẻ. Bọn trẻ học lớp 7 dường như chẳng quen gì với các tác phẩm văn học vĩ đại, trong khi đó, emoji lại là thứ mà bọn chúng quá là quen thuộc. Vậy thì tại sao lại lãng phí thời giờ cho những điều mà bọn trẻ đã biết phải không?”