Từng làm việc ở mảng Windows Mobile cho Microsoft, là người đồng sáng lập của một công ty từng được bán cho Yandex với giá 38 triệu USD, song thành công lớn nhất đối với Yaroslav Goncharov lại là FaceApp. Cùng đội ngũ chỉ 12 người, người đàn ông 40 tuổi đã tạo ra một trong những ứng dụng nóng nhất (và có lẽ là gây tranh cãi nhiều nhất) ở thời điểm hiện với khả năng sử dụng các bộ lọc trí tuệ nhân tạo để giúp người dùng “chuyển giới” hoặc “lão hoá”.
Ở thời điểm ra mắt, FaceApp nhanh chóng leo lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng ứng dụng trên cả iPhone và điện thoại Android. Dù vậy, nó cũng vấp phải rất nhiều mối quan ngại về bảo mật. Yaroslav Goncharov và đội ngũ sau đó cam kết sẽ mang đến cho người dùng một sự minh bạch lớn hơn liên quan đến chính sách riêng tư khi sử dụng ứng dụng này.
“Tôi cố gắng đếm số lượng cuộc gọi mình nhận được… Nó có thể lên tới 200 cuộc gọi trong chỉ ba giờ, hoặc tương tự thế,” Yaroslav Goncharov nói với Forbes hồi tháng 7 năm ngoái. “Chúng tôi không thể làm các công việc hàng ngày.”
Ban đầu, chính sách người dùng của FaceApp cho phép ứng dụng này có gần như toàn quyền sở hữu những hình ảnh mà người dùng tải lên, cho phép công ty sử dụng, chỉnh sửa và bán hình ảnh mà họ muốn mà không cần có bất kì một thù lao nào cho người dùng. “Người dùng sợ hãi vì những gì chúng tôi chia sẻ trong chính sách này và dĩ nhiên thì mọi thứ không như họ nghĩ,” Yaroslav Goncharov chia sẻ hồi năm ngoái.
Goncharov khẳng định những điều khoản dịch vụ ban đầu rất rộng bởi anh đã lên kế hoạch từ trước để biến FaceApp thành một “mạng xã hội khuôn mặt”. Để phát triển loại sản phẩm này, chính sách riêng tư của FaceApp phải tương tự với chinh sách của Instagram, Goncharov nhấn mạnh. “Chính sách của chúng tôi từng rất giống với Instagram nhưng không ai trách cứ gì Instagram vì… nó là Instagram,” người đứng sau FaceApp trần tình.
Ở thời điểm hiện tại, FaceApp sẽ xoá ảnh của người dùng trong vòng 48 giờ đồng hồ bằng cách yêu cầu các máy chủ của Google và Amazon xoá dữ liệu sau từng ấy thời gian. Anh cũng nhấn mạnh rằng hình ảnh của người dùng không được sử dụng cho mục đích thương mại. Khi được hỏi về lý do vì sao FaceApp duy trì hình ảnh người dùng trong 48 giờ, vị CEO cho biết mục đích là để người dùng không phải tải lên lại hình ảnh mỗi khi họ muốn sử dụng thử một bộ lọc mới.
Ở Microsoft vào đầu những năm 2000, Goncharov hiểu về tương lai mà smartphone sẽ đóng vai trò quan trọng. Anh là một nhà lập trình phần mềm cho Windows Mobile, hệ điều hành di động xuất hiện trước cả iOS và Android. “Tôi chắc chắn là mình đang xây dựng tương lại,” Goncharov nhớ lại khoảng thời gian làm việc ở Microsoft.
Sau khi rời Microsoft, Goncharov gia nhập một startup có tên SPB Software trong vai trò giám đốc công nghệ và là một trong ba đối tác bên cạnh Vassili Philippov và Sebastian-Justus Schmidt. Sau khi công ty này được Yandex thâu tóm, Goncharov về làm việc cho công ty vẫn được xem là Google của Nga này cho tới năm 2013.
Một trong những sản phẩm đầu tiên của Goncharov sau khi rời Yandex là một công cụ thử nghiệm Wi-Fi cho khách sạn thu hút được khá nhiều sự chú ý. Song Goncharov luôn thôi thúc tạo ra các sản phẩm sử dụng thuật toán tạo ra hình ảnh khuôn mặt. Vì thế, anh bắ đầu phát triển FaceApp từ năm 2016 và ra mắt nó vào năm 2017 dưới dạng beta.