Tại trung tâm thành phố Cairo, kẹt xe đã trở thành một chuyện thường tình. Chính phủ Ai Cập đang gấp rút giải quyết vấn đề này bằng cách quy hoạch lại các tuyến đường trung tâm. Theo đó, Cairo sẽ giống như phiên bản Amsterdam của Ai Cập, với 2 làn đường dành cho xe đạp, vỉa hè cho người di bộ và quảng trường với thảm thực vật phong phú thay cho các bãi đậu xe.
Không riêng gì Ai Cập, nhiều thành phố lớn trên thế giới đã và đang tìm cách quy hoạch lại các tuyến đường. Lý do chính cho sự thay đổi này là ô nhiễm không khí, nguyên nhân khiến nhiều người chết hơn là khói thuốc. Bên cạnh đó, thay đổi này cũng góp phần ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu cũng như giải pháp cho vấn đề dân số đang ngày một tăng cao.
Theo Fastcompany, đây là danh sách 8 thành phố dẫn đầu xu hướng “xanh – sạch – đẹp”, nơi không có tiếng ồn ào của động cơ, tiếng còi xe inh ỏi và những giọng nói cáu kỉnh do kẹt xe.
1. Oslo, Na Uy
Ở trung tâm thành phố Oslo, những chỗ đậu xe trên đường phố giờ đây đã được thay thế thành làn đường dành cho xe đạp, ghế dài và tiểu công viên. Vào đầu năm nay, Oslo cũng loại bỏ 700 chỗ đậu xe như một cách để khuyến khích người dân không lái xe trong khu vực, đồng thời tăng thêm một số trạm sạc cho xe điện và chỗ đậu xe cho người khuyết tật. Hiện tại, Oslo đang thúc đẩy giao thông công cộng và khuyến khích người dân đi xe đạp.
2. Buenos Aires, Argentina
Đại lộ tại Buenos Aires, thủ đô của Argentina, từng có đến 20 làn xe lưu thông. Mãi cho đến vài năm trước khi thành phố bắt đầu thực hiện chiến lược thay đổi, thời gian đi lại đã được rút ngắn đáng kể. Những chiếc xe buýt giờ đây cũng không còn xuất hiện trên đường, từ đó giúp giải phóng hơn 100 chổ đỗ xe và biến đại lộ Buenos Aires trở thành con đường đi bộ. Dù có vài con đường tại đây vẫn cho phép sự xuất hiện của ô tô nhưng lại rất hạn chế và giới hạn tốc độ 10km/h. Cũng bắt đầu từ đó, Buenos Aires tiếp tục bổ sung thêm nhiều khu vực dành cho người đi bộ, nhưng vẫn cố gắng giữ an toàn tất cả mọi người. Tại các giao lộ đông đúc luôn có sự xuất hiện của các vạch sơn và chậu cây được đặt theo hàng, nhằm giúp người đi đường nhận biết được đâu là nơi các tuyến đường giao nhau để di chuyển an toàn hơn.
3. London, Anh Quốc
Trong vài thập kỷ tới, London sẽ phải đối mặt với tình trạng quá tải khi có thêm 100.000 người đi lại trong lòng thành phố, và đón nhận thêm khoảng 3.000 hộ dân cư. Nếu tất cả những người người này cùng lái xe, giao thông tại London sẽ nhanh chóng bị tê liệt. Để đối phó với tốc độ dân số tăng quá nhanh và hạn chế ô nhiễm không khí, thị trưởng thành phố đã đề xuất quy hoạch các tuyến đường mà kết quả là 1/2 con đường tại đây sẽ không có sự xuất hiện của xe hơi, và có thêm làn đường ưu tiên cho người đi bộ. Hiện London cũng đang tính đến việc xây dựng làn đường xe đạp tại hầu hết các tuyến đường lớn. Trong trường hợp ô tô được phép di chuyển trên đường, chúng cũng chỉ được phép di chuyển với vận tốc 25km/h.
4. Seoul, Hàn Quốc
Trong năm đầu tiên sau khi thành phố Seoul hoàn thành việc chuyển đổi đường cao tốc Cheonggyecheon thành công viên (năm 2017), đã có 10 triệu người di chuyển trên con đường này đi kèm với việc kinh doanh trong khu vực được cải thiện, tăng hơn 42% doanh số. HIện tại, Seoul đang có kế hoạch xây thêm đường dành cho người đi bộ. Bên cạnh đó, một số làn đường giao thông hiện nay trên các khu phố lớn cũng sẽ nhanh chóng được chuyển đổi thành làn đường dành cho xe đạp và làn đường dành riêng cho xe buýt. Đồng thời, Seoul cũng thực hiện kế hoạch phát triển giao thông công cộng bằng cách xây dựng hệ thống xe buýt điện mới. Dự kiến sẽ có 3.000 chiếc xe buýt điện tại Seoul vào năm 2025, khuyến khích người dân chọn di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng thay cho ô tô. Cuối cùng, Seoul cũng nâng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông, để loại bỏ những dòng xe gây ô nhiễm khỏi trung tâm thành phố và đến năm 2020, chỉ có ô tô điện mới được phép sử dụng tại Seoul.
5. Madrid, Tây Ban Nha
Vào tháng 11/2018, chính quyền thành phố Madrid đã bắt đầu đưa ra các quy định nghiêm ngặt trên khắp thành phố, nhằm cố gắng giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và tình giao thông bất ổn. Theo đó, những chiếc xe đời cũ, xe ô tô không đạt tiêu chuẩn khí thải sẽ không được di chuyển tại Madrid để nhường chỗ cho xe điện. Tuy vậy, vẫn có những trường hợp ngoại lệ như: Người dân trong khu vực, người khuyết tật, và những phương tiện khẩn cấp sẽ được ưu tiên sử dụng xe vận hành bằng nhiêu liệu hoá thạch. Hoặc taxi chạy bằng xăng và dầu diesel vẫn có thể được di chuyển trong khu vực này nếu xe còn mới. Khi quy định này bắt đầu có hiệu lực, các phương tiện giao thông tại Madrid đã nhanh chóng giảm 32%. Cũng chính vì lý do này, vào cuối năm 2018, chính phủ Tây Ban Nha đã đề xuất cấm bất kỳ chiếc xe ô tô nào không đạt yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải di chuyển tại các thành phố lớn.
6. Bắc Kinh, Trung Quốc
Để hạn chế nạn kẹt xe và ô nhiễm không khí, Bắc Kinh đã quyết định “cấm cửa” tất cả những chủ xe không có giấy tờ tạm trú di chuyển trên 23 tuyến đường huyết mạch. Trường hợp tài xế được phép di chuyển, họ cũng bị hạn chế một số quyền lợi cụ thể dựa vào biển số xe: Nếu số cuối trên biển số xe của họ là một số cụ thể, chủ xe sẽ không được phép lái xe vào một ngày cụ thể trong tuần. Trong khi đó, những người chọn di chuyển bằng cách phương tiện công cộng hoặc đi bộ sẽ nhận được khoản hỗ trợ tài chính nho nhỏ từ chính quyền thành phố. Không chỉ Bắc Kinh, nhiều thành phố khác ở Trung Quốc cũng có những quy định về thời gian và không gian, nhằm hạn chế mọi người lái xe. Ở một số tiểu khu tại Tân khu Hùng An, đặc khu kinh tế mới của Trung Quốc, các nhà quy hoạch đã cân nhắc việc cấm xe hơi tư nhân và chỉ cấp phép cho những chiếc xe tự lái chạy bằng năng lượng sạch.
7. Paris, Pháp
Năm 2017, chính phủ Pháp đã biến một đường cao tốc tấp nập bên cạnh sông Seine trở thành lối đi bộ và công viên, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Thủ đô nước Pháp cũng hạn chế những loại ô tô cũ, các loại xe không đạt yêu cầu về tiêu chuẩn khi thải di chuyển chuyển vào Paris. Theo kế hoạch, đến năm 2024, sẽ không có bất kỳ xe mang động cơ diesel nào được phép di chuyển trong thành phố và đến năm 2030, xe trang bị động cơ xăng sẽ bị cấm cửa hoàn toàn. Các giao lộ tại Paris cũng đang được thiết kế lại để ưu tiên cho người đi bộ thay vì ô tô. Đồng thời, bố trí thêm làn đường dành cho xe đạp và phát triển hệ thống giao thông công cộng.
8. Chennai, Ấn Độ
Cho đến thời điểm gần đây, con đường Thyagaraya ở Chennai, Ấn Độ, vẫn là nơi mua sắm sầm uất. Tuy nhiên, trong tương lai tới, mọi thứ sẽ còn phát triển hơn nữa khi quảng trường dành cho người đi bộ được chính phủ Ấn Độ xây dựng tại đây, sẽ được hoàn thành trong vài tháng tới. Trước đó, chính quyền thành phố Chennai đã thực hiện hai thử nghiệm để giảm thiểu giao thông và mang đến cho mọi người trải nghiệm mua sắm tốt nhất. Gần đây, thành phố cũng đã công bố một mạng lưới chia sẻ xe đạp cho người dân. Giống như các thành phố khác ở Ấn Độ, Chennai cũng đang đối mặt với nạn ô nhiễm không khí, một phần từ giao thông vận tải. Năm 2017, chính phủ Ấn Độ đã đặt ra mục tiêu sử dụng xe điện hoàn toàn vào năm 2030. Gần đây, chính phủ nước này cũng đã “bơm” 1,4 tỷ đô la hỗ trợ người dân, nhằm khuyến khích họ mua xe điện và hybrid.