Công Nghệ

8 lý do sẽ khiến bạn khao khát đến Nhật Bản vào năm 2020

Chia sẻ

Đất nước này đang chứng tỏ rằng Thế vận hội 2020 sắp tới được tổ chức tại đây sẽ là một cuộc cách mạng thực sự về công nghệ.

Lần gần đây nhất Tokyo đăng cai tổ chức thế vận hội mùa hè là vào năm 1964. Lúc bấy giờ, Nhật Bản đã khiến ngành vận tải toàn thế giới phải ngạc nhiên với sự hiện diện của hệ thống tàu điện siêu tốc Shinkansen. Shinkansen trở thành một trong những biểu tượng của Nhật Bản, đồng thời là tiền đề tạo nên các con tàu đệm từ, cũng như tàu siêu tốc Hyperloop của Elon Musk.

Thường thì những kỳ thế vận hội luôn là cơ hội cho các quốc gia đăng cai giới thiệu với bạn bè thế giới những thành tựu công nghệ tiên tiến nhất của mình. Và thế vận hội năm 2020, tổ chức tại Tokyo chắc chắn cũng không phải là ngoại lệ.

8-ly-do-se-khien-ban-khao-khat-den-nhat-ban-vao-nam-2020

Thành phố Tokyo huyền ảo trong đêm.

 

Trên thực tế, Tokyo là một trong những thành phố nhộn nhịp và hiện đại nhất trên thế giới, với nhà ga Shinjuku trung bình mỗi ngày đón tiếp 3,64 triệu lượt người qua lại. Đây cũng là nơi sở hữu tòa nhà chọc trời Tokyo Sky Tree với độ cao lên tới 634 mét, đồng thời có tới 43 tập đoàn lớn của Nhật đặt trụ sở tại thành phố này.

Và những tiến bộ công nghệ của đất nước mặt trời mọc sẽ thay đổi cách chúng ta trải nghiệm mùa thế vận hội 2020, thậm chí có thể thay đổi cả thế giới.

1. Ngôi làng của Robot

Nhật Bản hiện đang là quốc gia “tự động hóa” nhất thế giới. Các xưởng chế tạo Robot của Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Đức cũng như nhiều quốc gia khác luôn luôn coi Nhật là “đối thủ nặng ký”, bởi vậy sẽ không có gì bất ngờ khi chúng ta có thể chứng kiến cả một “quân đoàn” Robot tại thế vận hội 2020.

Cuối tuần trước, tạp chí Asahi Shimbun có cho đăng tin hội đồng chính quyền đang có dự định phát triển chương trình lắp đặt Robot xung quanh thành phố, với mục tiêu hướng tới một xã hội tương lai, nơi người máy có thể hỗ trợ con người bất chấp tuổi tác, quốc tịch trong các hoạt động thường ngày.

“Ngôi làng Robot” dự tính được đặt tại Odaiba, ngoại ô Tokyo (hiện đây đang là ngôi nhà của bức tượng Gundam cao 60 foot). Mục đích của ngôi làng này là để hỗ trợ cho hơn 920.000 du khách đến với Tokyo trong những ngày diễn ra thế vận hội. Những vị khách nước ngoài có thể gọi người máy tới để thực hiện công việc phiên dịch, dẫn đường, mang vác hành lý, v…v…

8-ly-do-se-khien-ban-khao-khat-den-nhat-ban-vao-nam-2020 (1)

Bức tượng Gundam RX78-2 với tỉ lệ 1/1 đặt tại Odaiba.

2. Hệ thống phiên dịch tự động

So với các nước phát triển trên thế giới, trình độ tiếng Anh của Nhật Bản phải nói là vô cùng tệ hại. Mặc dù số lượng người nước ngoài biết tiếng Nhật đã tăng lên rất nhiều trong thời gian vừa qua, nhưng vấn đề về rào cản ngôn ngữ đối với những du khách đến với Nhật Bản vẫn còn rất lớn. Đây cũng là nguyên nhân khiến quốc gia này đầu tư phát triển hệ thống phiên dịch tự động cho thế vận hội 2020.

Hiện tại, Viện nghiên cứu công nghệ thông tin và liên lạc Nhật Bản đang phát triển ứng dụng mang tên VoiceTra, hỗ trợ việc dịch các văn bản ra hơn 27 ngôn ngữ khác nhau. Ứng dụng này cũng có khả năng phiên dịch tới 90% những gì người sử dụng nói ra. VoiceTra sẽ được cài đặt sẵn tại các địa điểm đông người qua lại như trung tâm thương mại, bệnh viện, sân vận động, v…v…

Về phía các công ty tư nhân, Panasonic hiện cũng đã bắt tay vào sản xuất một thiết bị phiên dịch nhỏ bằng lòng bàn tay để phiên dịch tiếng Nhật ra 10 ngôn ngữ khác nhằm hỗ trợ khách du lịch đến với Tokyo. Tập đoàn này hiện cũng đang phát triển một ứng dụng di động có khả năng dịch trực các biển báo chỉ dẫn trên đường phố.

3. Taxi tự lái

Tập đoàn DeNA - “ông lớn” trong ngành game di động tại Nhật Bản - đang có dự định đưa những chếc taxi tự lái đi vào hoạt động tại Tokyo vào năm 2020. Nếu thành sự thật, đây sẽ là thành tựu rất to lớn của đất nước mặt trời mọc, bởi lẽ những “gã khổng lồ công nghệ” như Google, Apple, Uber, cùng với các hãng xe BMW, Toyota, hay Mercedes đều đang tích cực chạy đua để trở thành người đi đầu trong lĩnh vực xe ô tô tự lái.

8-ly-do-se-khien-ban-khao-khat-den-nhat-ban-vao-nam-2020 (2)

Hệ thống Robot Taxi đang được DeNA nghiên cứu ứng dụng vào Thế vận hội.

Vấn đề lớn nhất của Tokyo là mật độ dân cư ở đây rất cao - hơn 13 triệu người dân sinh sống. Hơn nữa, trong những ngày tháng diễn ra thế vận hội, dự kiến sẽ có khoảng 920.000 du khách quốc tế đến với thành phố này. Chính vì vậy, những cuộc thử nghiện hệ thống xe tự lái tại Tokyo có lẽ sẽ trở nên rất “điên loạn”.

4. Phát sóng truyền hình ở độ phân giải 8K

Đài truyền hình trung ương NHK hiện đang lên kế hoạch phát sóng trực tiếp thế vận hội 2020 trên TV với độ phân giải lên tới 8K. Điều này được kỳ vọng sẽ gây được ấn tượng lớn trong mắt bạn bè thế giới thế giới, giống như thời kỳ bùng nổ TV màu của những năm 1960.

So sánh chuẩn 8K với 4K và Full HD.

So sánh chuẩn 8K với 4K và Full HD.

Các chương trình 8K sẽ có độ phân giải lên tới 7680×4320, đồng nghĩa với việc số lượng điểm ảnh nhiều gấp 16 lần chuẩn HD hiện tại. Theo lời đại diện của NHK, chuẩn 8K đã được nghiên cứu từ năm 1995, và Nhật Bản rất tự tin rằng mình sẽ là quốc gia đầu tiên đưa các chương trình truyền hình 8K đến với thế giới. Kể từ tháng sau, công ty điện tử Sharp sẽ bắt đầu bày bán những chiếc TV 8K với mức giá “trên trời” - 125.000 USD.

5. Xăng dầu làm từ tảo

Trong số các phương án thay thế cho nguồn nhiên liệu hóa thạch truyền thống, có lẽ tảo là ứng cử viên sáng giá nhất với nhiều điểm ưu việt, như khả năng chuyển hóa khí CO2 thành năng lượng, hay sản xuất được lượng dầu nhiều gấp 60 lần ngô ở trên cùng một đơn vị diện tích. Hơn nữa, việc trồng tảo quanh các nhà máy xử lý than còn giúp làm giảm lượng phát thải cacbonic ra môi trường. Điểm trừ duy nhất của phương án này nằm ở chi phí tương đối tốn kém: cần 2.50 USD để sản xuất được một lít nhiên liệu từ tảo.

Tuy vậy nhưng mục tiêu của Boeing và Nhật Bản vào năm 2020 là phục vụ các chuyến bay sử dụng tảo làm nhiên liệu trên toàn nước Nhật. Đương nhiên, những chiếc máy bay chở du khách đến xem thế vận hội cũng không là ngoại lệ. Và nếu như Nhật Bản thành công trong việc chứng minh rằng nhiên liệu tảo có thể giảm bớt chi phí và phục vụ tốt tại một sự kiện lớn như thế vận hội, thì những chuyến bay chạy bằng nguồn năng lượng xanh này chắc chắn sẽ còn xuất hiện nhiều hơn nữa trong tương lai. Đây là một điều đáng mừng, vì so với nhiên liệu truyền thống thì tảo giảm được tới hơn 70% lượng phát thải.

Boeing hiện đang hỗ trợ cùng Japan Airlines để tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu từ tảo.

Boeing hiện đang hỗ trợ cùng Japan Airlines để tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu từ tảo.

6. Những chiếc xe bus, cùng các tòa nhà hoạt động nhờ Hydro

Theo tạp chí Wall Street, chính quyền Tokyo hiện có dự định đầu tư hơn 40 tỉ yên (tương đương 330 triệu USD) trong vòng 5 năm tới để cải tiến công nghệ sử dụng khí hydro làm năng lượng nhằm phục vụ cho thế vận hội, thông qua phản ứng giữa hydro và oxi ở trong các tấm pin nhiên liệu.

Ô tô chạy nhờ khí Hydro - tuyệt đối không phát thải ra môi trường.

Ô tô chạy nhờ khí Hydro - tuyệt đối không phát thải ra môi trường.

Dự kiến toàn bộ ngôi làng thế vận hội sẽ sử dụng khí Hydro làm nguồn năng lượng chính. Những tấm pin nhiên liệu này cũng sẽ được dùng cho xe bus, phòng họp báo, cũng như nơi nghỉ ngơi của các vận động viên. Chính quyền Nhật Bản muốn đến năm 2020 sẽ có khoảng 6000 chiếc ô tô chạy nhờ Hydro trên đường phố, trước khi tăng con số này lên 100.000 xe vào năm 2025. Đây là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Nhật để hướng tới những nguồn năng lượng phi-hạt-nhân sau thảm họa Fukushima.

7. Màn trình diễn mưa sao băng nhân tạo

Một cơ quan nghiên cứu vũ trụ của Nhât Bản mang tên ALE đang có dự định thực hiện một màn trình diễn mưa sao băng nhân tạo trên bầu trời vào lễ khai mạc của thế vận hội 2020. Nếu điều này trở thành sự thật, có lẽ đây sẽ là lễ khai mạc ấn tượng nhất trong lịch sử thế vận hội.

ALE được sáng lập bởi giáo sư thiên văn học Lena Okajima. Ý tưởng của dự án này là phóng các khối cầu với kích cỡ khoảng 3 cm từ những vệ tinh cỡ nhỏ trên không trung. Các khối cầu này sẽ ma sát với bầu khí quyển, khiến chúng phát sáng y hệt như những ngôi sao băng. Đồng thời, ma sát sẽ tiêu hủy toàn bộ những khối sao băng nhân tạo này, nên chúng ta không cần phải lo đến vấn đề rác thải vũ trụ bị sót lại.

Trong tương lai, con người có thể tự mình tạo ra mưa sao băng trong không trung.

Trong tương lai, con người có thể tự mình tạo ra mưa sao băng trong không trung.

Theo lời bà Okajima, những khối sao băng nhân tạo này được phủ một lớp hóa chất đặc biệt, khiến chúng có thể được nhìn thấy rõ kể cả trong những điều kiện thời tiết bất lợi như mây hay sương mù. Hiện bà cùng với ALE đang phối hợp với nhiều trường Đại học hàng đầu của Nhật Bản để có thể sớm biến dự án này thành hiện thực.

8. Tàu đệm từ, nhiều tàu đệm từ hơn nữa

50 năm trước, Nhật Bản làm choáng ngợp thế giới với tàu điện siêu tốc Shinkansen. Và bây giờ, mục tiêu tiếp theo mà xứ sở hoa anh đào hướng tới là hệ thống tàu đệm từ tân tiến, chính thức phục vụ hành khách tại Tokyo vào năm 2020, trước khi mở rộng hoạt động tới Osaka vào năm 2045.

Tham vọng của xứ sở hoa anh đào là phát triển hệ thống tàu điện từ ở cả Nhật Bản và phương Tây.

Tham vọng của xứ sở hoa anh đào là phát triển hệ thống tàu điện từ ở cả Nhật Bản và phương Tây.

Hồi đầu năm nay, Nhật Bản đã phá kỉ lục về tốc độ tối đa của tàu đệm từ, đạt được vận tốc lên tới 374 dặm một giờ. Quốc gia này hiện đang muốn tối ưu hệ thống của mình hơn nữa (Hiện tại tàu đệm từ của Nhật vẫn chưa thể phục vụ hành khách), đồng thời mở rộng hoạt động của mình sang tới phương Tây.

Nhật Bản hiện đang nắm giữ vị thế của một cường quốc về công nghệ, do đó nhiều khả năng chúng ta sẽ được thấy những ý tưởng thiết kế “vô tiền khoáng hậu” trở thành hiện thực trong Thế vận hội 2020. Và khi những ý tưởng công nghệ, thiết bị, vật liệu mới có thể phục vụ hàng triệu người trong một sự kiện lớn như Thế vận hội, thì chắc chắn việc ứng dụng chúng trong thực tế hàng ngày sẽ là điều vô cùng đơn giản.

Chia sẻ
Tin mới nhất