Chính quyền tỉnh Hồ Bắc ngày 16/2 thông báo số ca mới dương tính với virus corona tại tỉnh này trong 24 giờ qua là 1.843 trường hợp, riêng tại thành phố Vũ Hán là 1.548 trường hợp mới.
Tổng số ca nhiễm tại tỉnh Hồ Bắc hiện đã lên đến 56.249 người. Số ca tử vong tính đến hết ngày 15/2 tăng thêm 139 người. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 12/2019 đến nay, đã có ít nhất 1.596 bệnh nhân tử vong sau khi phát hiện dương tính với virus corona chủng mới.
Trong bối cảnh dịch bệnh do virus corona (Covid-19 hay 2019-nCoV) gây ra diễn biến ngày càng phức tạp, nhu cầu về các trang bị phòng tránh lây nhiễm đã tăng vọt, trong đó khẩu trang. Từ một mặt hàng ít được chú ý, khẩu trang giờ đây đã trở thành một thứ cực kỳ khan hiếm mà ít ai có thể mua được.
Theo tờ EETimes, để đối phó với tình trạng thiếu hụt khẩu trang, nhiều công ty Trung Quốc ở nước ngoài đã phải đặt mua khẩu trang từ Nhật Bản, Mỹ, Myanmar cùng các nước khác gửi về Trung Quốc. Trong khi đó, các công ty khẩu trang nội địa của nước này đã từ bỏ kế hoạch tạm ngưng sản xuất trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Nguồn tin kể trên cho biết, một công ty sản xuất khẩu trang tại Tô Châu dù đã phá sản và ngừng sản xuất hơn 570 ngày qua cũng được khôi phục lại toàn bộ dây chuyền để hoạt động.
Tổ chức Y tế thế giới - WHO đã đưa ra cảnh báo rằng các nguồn cung về khẩu trang đang dần trở nên cạn kiệt và những đơn hàng sẽ bị đình trệ trong vòng 4 - 6 tháng. Thế nên, nhiều công ty công nghệ Trung Quốc, vốn chưa từng sản xuất khẩu trang, cũng được chính phủ Trung Quốc kêu gọi tiếp ứng.
Khảo sát của Tianyan Inspection về sự thay đổi đăng ký trong ngành công nghiệp và thương mại cho thấy, từ ngày 01/01 đến 07/02, khoảng 3.000 công ty Trung Quốc, trong đó có 700 công ty công nghệ - ô tô, đã bổ sung “khẩu trang, quần áo bảo hộ, thuốc diệt trùng, nhiệt kế và thiết bị y tế” vào sản phẩm của mình.
Trong số 700 công ty kể trên có Foxconn, công ty chuyên lắp ráp linh kiện điện thoại, đã vận hành dây chuyền sản xuất khẩu trang tại nhà máy của mình ở Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc. Những nhà máy này ban đầu sẽ được sử dụng nội bộ bởi hàng trăm ngàn nhân viên công ty trước khi cung cấp ra thị trường.
Hôm 09/02, Changying Precision, công ty phần lớn sản xuất điện thoại di động, tuyên bố rằng họ đang điều chỉnh khả năng tự động hóa của mình để thực hiện nhiệm vụ khẩn do chính phủ giao, cụ thể là sản xuất khẩu trang y tế.
Trong khi đó, BYD, công ty sản xuất ô tô hàng đầu tại Trung Quốc, lại đang bắt đầu thiết kế và sản xuất các trang bị phòng vệ và hỗ trợ sản xuất khẩu trang cũng như thuốc khử trùng nhằm đáp ứng tình trạng khủng hoảng này.
Vào hôm 08/02, Tập đoàn sản xuất ô tô GAC Group cũng thông báo rằng rằng họ đang nghiên cứu kế hoạch xây dựng thiết bị phục vụ cho dây chuyền sản xuất khẩu trang.
Theo thống kê của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, nước này hiện chỉ đủ khả năng sản xuất hơn 20 triệu khẩu trang 1 ngày. Vào ngày 05/02, phó giám đốc của bộ phận phát triển xã hội tuyên bố rằng sản lượng khẩu trang hàng ngày trên cả nước đã đạt được 14,8 triệu chiếc.
Với dân số 9 triệu người ở Vũ Hán, mức tiêu thụ khẩu trang hàng ngày có thể vượt quá con số 20 triệu. Con số này chỉ là dự tính nếu mọi người dân Vũ Hán tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc theo tiêu chuẩn y tế: Sử dụng khẩu trang y tế thông thường trong vòng 2 giờ đồng hồ, và với khẩu trang N95 là khoảng 4 giờ.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, từ ngày 24/01 đến 30/01, Trung Quốc đã nhập hơn 56 triệu chiếc khẩu trang.
Điều này đồng nghĩa, trong 6 ngày, Trung Quốc chỉ có thể nhập khẩu đủ số lượng khẩu trang cho Vũ Hán sử dụng trong khoảng 2 ngày. Trong khi đó, tổng dân số tại Trung Quốc là 1,4 tỷ người, càng khó khăn trong việc đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng khẩu trang của người dân.