Nhiều người vẫn nghĩ, một mật khẩu đủ mạnh hay có thêm bảo mật 2 lớp sẽ ngăn không cho hacker quyền truy cập vào tài khoản cá nhân. Tuy nhiên, sự thật là dù có cài mật khẩu phức tạp hay thêm bao nhiêu lớp bảo mật đi chăng nữa thì Facebook của bạn vẫn sẽ có nguy cơ bị hack. Dưới đây là những thủ thuật được tin tặc thường xuyên sử dụng, tuy đơn giản nhưng lại hiệu qủa đến mức khó tin.
1. Giả mạo Facebook (Facebook Phising)
Giả mạo Facebook là phương thức đánh cắp mật khẩu phổ biến nhất hiện nay. Bằng việc giả mạo địa chỉ website hoặc tạo nên một giao diện tương tự Facebook chính chủ, tin tặc se dễ dàng lừa gạt người dùng nhập địa chỉ email và mật khẩu Facebook. Sau khi bấm đăng nhập, các thông tin trên sẽ được gửi về máy tính của những kẻ tấn công và tất nhiên chúng sẽ hoàn toàn khống chế Facebook của bạn bằng chính thông tin bạn đã nhập vào trước đó.
Nếu không muốn trở thành nạn nhân của hacker, người dùng cần nên tỉnh táo trước các yêu cầu đăng nhập lại vào Facebook, kiểm tra lại địa chỉ trang đăng nhập có đúng là https://facebook.com hay không. Cũng đừng bao giờ đăng nhập vào tài khoản Facebook trên một máy tính lạ.
Tốt nhất là bạn nên bật tính năng đăng nhập bằng 2 bước, cần có điện thoại để nhận mã xác nhận mỗi khi đăng nhập Facebook trên một máy tính lạ.
2. Keylogging
Phương pháp Keylogging là một trong những phương pháp dễ dàng thực hiện nhất của tin tặc để tấn công tài khoản Facebook. Bằng cách bí mật cài đặt những dòng lệnh ẩn vào các phần mềm được chia sẻ lậu trên internet, chúng có thể ghi lại tất cả nội dung, ký tự được nhập vào từ bàn phím.
Để phòng tránh, bạn hãy sử dụng các phần mềm diệt virus. Tốt nhất là tải phần mềm từ trang web chính thức của chúng hoặc từ các nguồn tải có uy tín và hạn chế đừng tải về hoặc cài đặt các phần mềm không rõ nguồn gốc.
3. Dựa vào danh sách mật khẩu đã lưu trên trình duyệt
Thông thường, mỗi khi bạn đăng nhập vào một trang web mới, trình duyệt bạn đã sử dụng sẽ mở hộp thoại với câu hỏi bạn có muốn lưu lại mật khẩu hay không. Đây là tiện ích trên trình duyệt giúp bạn không cần nhập lại mật khẩu khi đăng nhập vào lần tiếp theo.
Dù đây là một tính năng vô cùng tiện ích, tuy nhiên nó cũng có thể khiến người dùng gặp nhiều rủi ro khi hacker chiếm quyền điều khiển máy tính. Để đề phòng, bạn hãy hạn chế lưu lại mật khẩu từ trình duyệt. Nếu muốn bảo mật tốt hơn, bạn cũng có thể cài mật khẩu bảo vệ cho Chrome
4. Hack qua điện thoại
Smartphone cũng là thứ mà hacker để tâm đến nhiều nhất hiện nay. Tin tặc có thể bí mật cài các phần mềm độc hại vào chiếc smartphone của bạn, nếu bạn thường truy cập những trang web lạ hoặc cài đặt những ứng dụng không chính chủ. Bằng cách cài những câu lệnh vào ứng dụng chạy ngầm, tin tặc có thể dễ dàng lấy đi tất cả dữ liệu trong thiết bị khi bạn sử dụng, tất nhiên có cả mật khẩu Facebook. Do đó, bạn hãy tải những ứng dụng từ các nhà phát triển đáng tin cậy, luôn luôn kiểm tra điện thoại nếu có các ứng dụng đáng nghi ngờ hoặc hoạt động bất bình thường.
5. Hack qua tài khoản email
Một trong những cách hack được ưa chuộng còn có việc chiếm quyền tài khoản email của bạn. Sau khi thực hiện thành công, tin tặc sẽ truy cập vào nó và sử dụng tính năng Quên mật khẩu trên Facebook để tạo lại mật khẩu mới.
Để đám bảo, bạn hãy bật tính năng xác minh 2 bước cho tài khoản email. Cũng tương tự như Facebook, xác minh 2 bước trên email yêu cầu một chiếc điện thoại đã được đăng ký để nhận mã xác nhận khi đăng nhập email từ một máy tính lạ.
6. Tabnapping
Phương thức này cũng gần giống như Giả mạo trang Facebook, nhưng tinh vi hơn nhờ giao diện và địa chỉ trang web được thay đổi hoàn toàn. Chỉ cần giả dạng một trang web tin tức lớn hay một trang web trò chơi nào đó, tin tặc có thể đánh cắp mật khẩu người dùng bằng cách yêu cầu họ đăng nhập vào Facebook để thực hiện tiếp các bước đang bỏ dở hoặc chơi thêm nhiều lượt.