Theo một thống kê được đưa ra mới đây, chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2019, các startup Việt Nam đã thu hút được tới 750 triệu USD đầu tư, con số cho thấy Việt Nam đang dần trở thành điểm đến của các nhà đầu tư mạo hiểm. Bên cạnh đó, nó cũng thắp lên hi vọng rằng Việt Nam sẽ sớm có startup kì lân tiếp theo.
Dưới đây là 5 thương vụ đầu tư vào startup khủng nhất Việt Nam trong năm 2019. Tất cả các thương vụ này đều do các quỹ ngoại thực hiện. Bên cạnh đó, chúng đều liên quan đến một trong hai lĩnh vực là thương mại điện tử hoặc công nghệ tài chính.
VNLIFE nhận 300 triệu USD từ SoftBank và GIC
Một trong những đầu tư tiêu biểu nhất cho thấy sức nóng của startup Việt Nam, mà cụ thể là các startup trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) của năm qua, chính là màn gọi vốn 300 triệu USD của VNLIFE, công ty mẹ của VNPAY. Hồi cuối tháng 7, Chủ tịch công ty này, ông Trần Trí Mạnh, xác nhận thương vụ đầu tư đã được hoàn tất, song ông từ chối chia sẻ chi tiết các thông tin về tài chính.
Nguồn tin từ DealStreetAsia trong khi đó cho biết quỹ Vision Fund của SoftBank có thể đã cam kết đầu tư 200 triệu USD, trong khi đó quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC cam kết rót 100 triệu USD. VNPAY là một trong những công ty thanh toán điện tử đang có thị phần tương đối lớn tại Việt Nam.
MOMO nhận 100 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C
Ví điện tử MOMO đã “nổ phát súng” đầu tiên của startup Việt Nam trong năm 2019 khi ngay từ đầu năm đã cho biết gọi thành công vốn”khủng” trong vòng gọi vốn Series C với công ty quỹ toàn cầu Warburg Pincus đóng vai trò dẫn dắt.
Mặc dù các điều khoản về tài chính của vòng gọi vốn không được công bố, một nguồn tin thân cận với vấn đề nói với DealStreetAsia rằng con số đầu tư nằm trong khoảng 100 triệu USD, thời điểm đó là một trong những khoản đầu tư lớn nhất một startup Việt Nam gọi được trong một vòng đầu tư.
Scommerce nhận 100 triệu USD từ Temasek Holdings
Nhà cung cấp dịch vụ logistic Scommerce, công ty mẹ của các dịch vụ như Giao Hàng Nhanh (GHN) hay AhaMove, hồi cuối tháng 10 đã “chốt” thành công thương vụ đầu tư lớn nhất và mới nhất được dẫn dắt bởi quỹ ngoại do nhà nước Singapore sở hữu Temasek. Giá trị thương vụ cũng có thê lên đến 100 triệu USD.
Được thành lập vào năm 2012, Scommerce là một trong những nhà cung cấp dịch vụ logistic hàng đầu tại Việt Nam, với các dịch vụ như giao hàng chặng cuối, giao hàng nhanh, hệ thống kho bãi và cho thuê xe tải B2B dưới các thương hiệu GHN và AhaMove. Ở thời điểm hiện tại, GHN và AhaMove đã là đối tác giao hàng của bốn trong số những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam là Shopee, Sendo, Lazada và Tiki. Bên cạnh đó, nó cũng phục vụ khoảng 100.000 nhà bán hàng nhỏ và trung bình khác.
Tiki nhận 75 triệu USD đầu tư trong vòng gọi vốn dẫn dắt bởi Northstar Group
Hồi tháng 3, Tiki gọi vốn thành công 75 triệu USD trong một vòng gọi vốn do Northstar Group dẫn dắt. Đây là một công ty quỹ đầu tư tư nhân với một một quỹ đầu tư có giá trị khoảng 2 tỉ USD dành cho các công ty nằm trong giai đoạn tăng trưởng ở khu vực Đông Nam Á.
Khoản đầu tư vào Tiki cho thấy những sức hấp dẫn nhất định của mảng thương mại điện tử ở Việt Nam với tầng lớp trung lưu tăng và dân số trẻ.
Sendo gọi thành công 61 triệu USD trong vòng Series C
Trung tuần tháng 11, Sendo xác nhận gọi thành công 61 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C của mình với sự tham gia của một số nhà đầu tư hiện hữu như SBI Group, Beenos, SoftBank Ventures Asia, Daiwa PI Partners, và Digital Garage cùng với đó là các nhà đầu tư mới bao gồm EV Growth (Indonesia) và Kasikornbank (Thái Lan).
Đây là vòng gọi vốn lớn nhất của Sendo tính tới thời điểm còn lại. Sendo trước đó đã gọi được 51 triệu USD trong vòng Series B hồi tháng 8/2018.