Chỉ trong vỏn vẹn 6 tháng, Facebook đã xóa 1,3 tỷ tài khoản giả mạo trên mạng xã hội này. Rất nhiều trong số đó “có ý đồ lan truyền spam hoặc thực hiện các hoạt động phi pháp như lừa đảo,” Facebook cho biết.
Cụ thể, Facebook đã xoá 583 triệu tài khoản trong Quý I năm 2018, giảm xuống từ con số 684 triệu tài khoản trong Quý IV năm 2017. Theo Facebook, mức giảm này là nhờ “tính khả biến của công nghệ nhận diện, tìm kiếm và gắn cờ các tài khoản giả.”
Hầu hết các tài khoản nói trên đều bị xóa trong vòng vài phút sau khi đăng kí. Thế nhưng không phải tất cả các tài khoản “giả” đều bị phát hiện. Facebook thừa nhận ở thời điểm hiện tại có từ 3% đến 4% các tài khoản hoạt động hàng tháng là “giả”, tăng từ 2% đến 3% của quý IV năm ngoái. Facebook tiết lộ thêm rằng hầu hết các tài khoản “giả” được phát hiện bởi thuật toán phần mềm. Một số lượng nhỏ hơn - chiếm khoảng 1,5% số tài khoản bị xóa - được phát hiện và gắn cờ báo cáo bởi người dùng.
Đây là lần đầu tiên Facebook công bố các con số liên quan đến số lượng tài khoản bị xóa. Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến những loại nội dung thường bị mạng xã hội này gỡ xuống.
Công bố những dữ liệu như thế này là một cách Facebook tăng tính minh bạch và cũng là cơ hội để người dùng nhìn thấy Facebook đang nỗ lực trong việc thanh lọc nội dung trên mạng xã hội này.
“Đây chỉ là điểm bắt đầu,” Guy Rosen, Phó Chủ tịch Sản phẩm phụ trách an toàn và bảo mật chia sẻ. “Người dùng có thể báo cáo nhiều loại nội dung xấu hơn những gì chúng tôi đang cập nhật ở đây. Vì thế lần tới chúng tôi sẽ chia sẻ nhiều hơn.”
Những con số Facebook chia sẻ lần này chủ yếu tập trung vào những loại nội dung xấu chính. Công ty này đã gỡ bỏ 21 triệu bài đăng liên quan đến “hình ảnh khỏa thân của người trưởng thành hoặc nội dung khiêu dâm,” ví dụ, hầu hết số này được tự động phát hiện bằng thuật toán phần mềm. Facebook cũng gỡ bỏ 2,5 triệu bài đăng có nội dung “ngôn ngữ thù hận”, tăng 56% từ con số 1,6 triệu bài đăng trong Quý IV năm ngoái.
Khác với hình ảnh liên quan đến khỏa thân hay khủng bố, các bài đăng có ngôn ngữ thù hằn chủ yếu được phát hiện thông qua hình thức người dùng báo cáo. Theo đó, chỉ 38% trong số bài đăng bị gỡ trong Quý I được phần mềm phát hiện. Dù sao đi nữa thì con số này cũng tăng từ tỷ lệ chỉ 23,6% trong Quý IV năm 2017. Facebook cũng thừa nhận việc phát hiện ra các nội dung này bằng phần mềm rất khó vì mọi thứ có liên quan đến ngữ cảnh và công nghệ “chưa thể hiểu được chúng, chưa kể đến sự đa dạng của ngôn ngữ.”
Facebook đang thực hiện nhiều nỗ lực để lấy lại niềm tin từ phía người dùng sau những lùm xùm gần đây liên quan đến việc dữ liệu người dùng bị lạm dụng.