Điện thoại màn hình gập
Samsung, Motorola, Huawei đã phát triển smartphone với màn hình gập vài năm qua, nhưng giá khá cao so với mặt bằng chung.
Theo các chuyên gia, thoại gập sẽ trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn do các thành phần linh kiện dễ chế tạo hơn nhờ sự phát triển của công nghệ trong 10 năm tới. Mức giá có thể bằng 2/3, thậm chí bằng nửa so với hiện nay.
Nhưng trong 10 năm tới, các nhà sản xuất sẽ phải tìm ra giải pháp khi mà điện thoại gập đòi hỏi màn hình linh hoạt và không bị hỏng khi gập nhiều lần, đồng thời bản lề và các bộ phận chuyển động khó chống bụi và nước hơn.
Điện thoại dạng module
Ưu điểm của các sản phẩm dạng module là có thể thay đổi, nâng cấp khi cần, chẳng hạn bổ sung máy ảnh tốt hơn, chip mạnh, RAM lớn hơn... Nhưng các dự án đều thất bại trong 10 năm qua.
Có thể kể tới thất bại của LG với điện thoại G5 kèm DAC hi-fi hoặc phụ kiện máy ảnh với nút chụp chuyên dụng, có thể gắn thêm vào máy. Hay Motorola cũng thử nghiệm dòng Moto Z kèm hệ sinh thái phụ kiện có thể gắn vào mặt sau của điện thoại như pin, loa JBL, máy ảnh Hasselblad, thậm chí máy chiếu phim. Ý tưởng này cũng không được đón nhận.
Project Ara của Google được đánh giá là phản ánh đúng giấc mơ điện thoại module của người dùng. Thiết bị có thể hoán đổi các thành phần riêng lẻ của điện thoại như bộ xử lý, cảm biến ảnh, pin, màn hình, giúp thiết bị không bao giờ lỗi thời. Nhưng chỉ sau vài năm, Google cũng âm thầm khai tử dự án.
Rào cản kỹ thuật là lý do chính dẫn tới thất bại của các dự án. Tỷ suất lợi nhuận smartphone rất cao, khiến các hãng điện thoại chưa cần mạo hiểm thử nghiệm cái mới.
Nhưng thời gian tới, điện thoại module có thể quay trở lại. Ngoài ra, chính sách mới từ các cơ quan quản lý, như buộc các công ty phải tạo sản phẩm dễ sửa chữa hơn để bảo vệ môi trường, cũng là yếu tố giúp smartphone module phổ biến hơn.
Kính thông minh
Theo dự đoán của các chuyên gia, điện thoại sẽ không còn phổ biến, thậm chí biến mất vào năm 2030. Thay vào đó là các thiết bị liên lạc tân tiến hơn, như kính thông minh.
Google Glass là một trong những mẫu kính thông minh đầu tiên, ra đời năm 2013 nhưng không được đón nhận vì thiết kế còn thô sơ và kỳ lạ. Tuy nhiên, việc hàng loạt công ty công nghệ gần đây tham gia phát triển kính thông minh AR, VR đã mở ra tương lai mới.
Meta, tên gọi mới của công ty Facebook, đã bắt đầu theo đuổi vũ trụ ảo metaverse với kính thông minh làm trung tâm. Apple cũng đang trong quá trình thử nghiệm kính AR riêng và có thể trình làng vài năm tới.
Hiện nay, đa số kính thông minh phải kết nối với thiết bị chủ, như smartphone, mới có thể phát huy 100% khả năng. Thời gian tới, khi công nghệ phát triển, mọi thứ đang có trên smartphone, sẽ được gói gọn trong một chiếc kính hoàn chỉnh.
Môi trường điện toán xung quanh
Trong viễn cảnh 10 năm tới, mọi thiết bị điện tử xung quanh đều có thể trở thành phương tiện liên lạc. Người dùng chỉ cần đeo một thiết bị nhận dạng để thực hiện những thứ họ muốn.
Chẳng hạn, nếu ở nhà, họ có thể ra lệnh để gọi điện, nhắn tin, đặt hàng siêu thị... thông qua loa thông minh, TV, đèn hoặc bất cứ thứ gì đang kết nối Internet.
Còn ở nơi công cộng, thay vì lấy điện thoại ra khỏi túi, mở khóa, mở ứng dụng phù hợp và gõ các từ trên màn hình nhỏ, người dùng chỉ cần ra lệnh cho bảng điều khiển đang gắn trên tường để chúng thực hiện việc đó.
Các chuyên gia cho rằng viễn cảnh công nghệ hiểu và làm theo ý của con người có thể khiến quyền riêng tư bị xâm phạm. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ dần được giải quyết dựa trên sự phát triển của chúng.