Đường xá xa xôi và dịch vụ du lịch còn kém phát triển đã khiến thác Bản Giốc chưa thể trở thành điểm đến được nhiều du khách lựa chọn nhưng nét đẹp hoang sơ lại chính là điểm thu hút của ngọn thác hùng vĩ này. Những ai đã từng đến thác Bản Giốc đều không thể phủ nhận rằng đây là một món quà vô giá mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho tỉnh Cao Bằng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Dưới đây là những kinh nghiệm du lịch cần thiết mà du khách không nên bỏ qua khi lên kế hoạch ghé thăm thác Bản Giốc:
Thời điểm tham quan lý tưởng
Du khách không phải băn khoăn nhiều khi lựa chọn thời điểm tham quan thác Bản Giốc bởi thác của mỗi mùa đều mang một vẻ đẹp đặc trưng. Vào mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau), thác Bản Giốc trông hiền hòa như những dải lụa trắng mềm mại buông rũ từ trên cao xuống. Còn vào mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 9), khi dòng Quây Sơn đầu nguồn chảy mạnh và xiết, thác Bản Giốc sẽ khoác lên mình một hình ảnh hoàn toàn trái ngược, dữ dội và oai phong.
Đường đi và phương thức di chuyển
Nếu đi phượt bằng xe máy hoặc ô tô, các phượt thủ sẽ chạy trên một trong hai cung đường: một là là quốc lộ 3 (Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng), hai là quốc lộ 1A (Hà Nội – Lạng Sơn) rồi đi tiếp quốc lộ 4A (Lạng Sơn – Cao Bằng). Từ thành phố Cao Bằng, các phượt thủ sẽ phải tiếp tục đi tiếp gần 90km về phía Đông Bắc qua huyện Trùng Khánh để đến thác Bản Giốc.
Nếu đi bằng xe khách, du khách có thể tìm thấy các xe chạy tuyến Hà Nội – Cao Bằng tại bến xe Mỹ Đình và bến xe Lương Yên (Hà Nội) của một số hãng xe uy tín như Mai Luy, Thanh Ly, Hiền Lợi, Khoa Mận… Giá vé dao động trong khoảng 170.000 – 200.000 đồng/khách/lượt.
Từ bến xe Cao Bằng, du khách đón tiếp xe khách Cao Bằng – Trùng Khánh – thác Bản Giốc do hãng xe Thành Luân khai thác hoặc hai tuyến buýt số 03 (Cao Bằng – Quảng Uyên) và số 07 (Quảng Uyên – Trùng Khánh). Cả xe khách và xe buýt đều dừng trạm cuối ngay trước cổng khu du lịch thác Bản Giốc. Du khách cần lưu ý sắp xếp thời gian tham quan để không lỡ mất chuyến xe cuối cùng về lại trung tâm thành phố (15h30 đối với xe khách và 16h50 đối với xe buýt). Chi phí di chuyển cho chặng này là khoảng 70.000 đồng/khách/lượt.
Chi phí tham quan
Giá vé vào cửa tham quan thác Bản Giốc là 20.000 đồng/người lớn và 10.000 đồng/trẻ em. Ngoài ra, nếu muốn đi thuyền đến gần thác để chiêm ngưỡng kiệt tác thiên nhiên này kỹ hơn và hòa mình trong “cơn mưa” bọt nước trắng xóa thì bạn sẽ phải chi thêm 50.000 đồng/người.
Ăn uống, lưu trú
Do nằm xa khu dân cư nên dịch vụ du lịch tại thác Bản Giốc còn kém phát triển. Ngoại trừ khu nghỉ dưỡng Sài Gòn – Bản Giốc (Saigon – Ban Gioc resort) của Saigontourist vừa được khánh thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2014, du khách rất khó tìm thấy các dịch vụ ăn uống và lưu trú chất lượng tại đây. Ngay cả trong khu du lịch cũng chỉ có lác đác vài quầy hàng dã chiến bán nước uống, bánh kẹo và đồ lưu niệm của người dân địa phương. Do đó, hầu hết khách du lịch sau khi tham quan thác Bản Giốc đều quay trở về trung tâm huyện Trùng Khánh hoặc thành phố Cao Bằng để ăn uống và nghỉ ngơi.
Một số lưu ý khác
Du khách yêu thích mạo hiểm có thể leo lên các tầng cao của thác Bản Giốc bằng cách men theo đường mòn nằm gần cột mốc biên giới đặt giữa thác chính và thác phụ. Tuy nhiên, trải nghiệm này tương đối nguy hiểm, đòi hỏi du khách phải có kinh nghiệm leo núi, leo thác hoặc được người dân địa phương đi kèm hướng dẫn. Du khách có ý định leo thác cần trang bị giày leo núi, có đế chống trơn trượt.
Do thác Bản Giốc nằm ngay khu vực biên giới nên du khách tham quan cần mang theo giấy tờ tùy thân phòng khi lực lượng biên phòng yêu cầu xuất trình để kiểm tra đột xuất.
Ngoài thác Bản Giốc, Trùng Khánh còn có nhiều điểm tham quan mà du khách có thể kết hợp ghé thăm để cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú của vùng đất này như chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc nằm trên núi Phia Nhằm cách thác khoảng 500m và động Ngườm Ngao nằm cách thác khoảng 3km.
THÔNG TIN VỀ THÁC BẢN GIỐC
Thác Bản Giốc tọa lạc tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, cách thành phố Cao Bằng khoảng 90km và huyện lỵ Trùng Khánh khoảng 20km về phía Đông Bắc. Thác được chia làm hai phần: thác chính (thác thấp) và thác phụ (thác cao). Trong đó, thác chính rộng khoảng 100 m, cao 70 m và sâu 60 m.
Thác Bản Giốc được xem là thác nước tự nhiên lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Thắng cảnh nổi tiếng này còn luôn có mặt trong danh sách top 10 những thác nước đẹp nhất thế giới do các tổ chức du lịch quốc tế công bố hàng năm.
Bên cạnh đó, địa thế có một không hai cũng là một yếu tố khiến thác Bản Giốc trở nên đặc biệt hơn so với vô số những con thác lớn nhỏ nằm rải rác trên khắp mảnh đất hình chữ S. Thác nằm ngay trên đường biên giới của Việt Nam và Trung Quốc và được xem là thác nước xuyên quốc gia lớn thứ tư trên thế giới sau thác Niagara nằm giữa Canada và Mỹ, thác Victoria nằm giữa Zambia và Zimbabwe và thác Iguazu nằm giữa Brazil và Argentina.