Mỗi mùa một thú vui hấp dẫn
Cứ mỗi dịp thời tiết trở mình sang mùa là lại có những sự thay đổi của thiên nhiên. Sang thu là thời khắc của cánh đồng lúa vàng óng ả trải dài ở Mù Cang Chải. Giữa thu, những cánh đồng tam giác mạch lại nao nức lòng người.
Cứ như vậy giới trẻ đua nhau tìm tòi, khám phá những cảnh sắc thiên nhiên của đất nước. Gần đây nhất có lẽ là khám phá đầy thú vị khi giới trẻ bắt đầu với trào lưu phượt Vườn Quốc gia Ba Vì ngắm mùa hoa dã quỳ.
Dã quỳ vốn nổi tiếng trên những vạt đường Tây Bắc khúc khuỷu nhưng không kém phần thơ mộng hay bạt ngàn trên các triền đồi Tây Nguyên. Mùi hương ngai ngái và sắc vàng rực rỡ của hoa dã quỳ đã đưa Vườn Quốc gia Ba Vì thành một lựa chọn hoàn hảo.
Chính vì vậy mà sau chuyến thăm thú cánh đồng hoa tam giác mạch nơi vùng cao nguyên đá Hà Giang thì giới trẻ lại tìm về khám phá Vườn Quốc gia Ba Vì vào thời điểm hoa dã quỳ nở rộ: “Xưa nay cứ ao ước được đi ngắm những cánh đồng hoa nhưng hoa đẹp thì ở tận vùng núi xa xôi. Giờ mới khám phá ra cánh đồng hoa dã quỳ cũng tuyệt vời không kém. Đúng là xa tận chân trời, gần ngay trước mặt”, nhiều bạn trẻ ở Hà Nội bày tỏ sự háo hức.
Phượt theo mùa - Hành động theo ý thức
Sau Vườn Quốc gia Ba Vì có thể tiếp theo giới trẻ sẽ lại háo hức tìm đến với mùa hoa cải đầu đông, hay lại ngất ngây trước vườn hoa hướng dương đang nở rộ ở xứ Nghệ. Có thể thấy, trong cuộc sống hiện đại gu khám phá của giới trẻ ngày một năng động và hướng tới không gian rộng lớn cùng sự tự nhiên không sắp đặt của thiên nhiên đặc trưng vùng miền đã và đang trở thành cơ hội cực lớn cho ngành du lịch nói chung, du lịch ngoại thành nói riêng khai thác và phát triển tiềm năng của mình.
Bao giờ cũng vậy, khi những “cơn sốt” lan tới những địa điểm du lịch đều mang theo những yên tĩnh hay ồn ào. Và đó cũng chính là câu chuyện nhức nhối còn bỏ ngỏ về ý thức của du khách.
Gần đây nhất có lẽ là hình ảnh những đoàn xe phi thẳng vào ruộng hoa tam giác mạch, giẫm đạp lên hoa để chụp ảnh, rồi xả rác, vô tình chính những du khách ấy đã phá hoại cảnh quan, mùa màng, vườn tược của người dân nơi đây. Bạn Nguyễn Hạnh bày tỏ: “Thương quá cho một mùa hoa thừa người nhưng thiếu ý thức”.
Hay nhắc tới đảo Lý Sơn - vùng đảo được biết đến nằm giữa biển khơi, hoang sơ, quyến rũ. Nhưng thời gian gần đây, khi du khách ghé thăm, họ cắm trại rồi sinh hoạt và xả rác ngay tại chỗ, hình ảnh bờ biển với hàng trăm túi nilon trôi nổi, theo sóng dạt vào bờ khiến những người tới sau vô cùng ngạc nhiên và hụt hẫng.
Ở Phong Nha - Kẻ Bàng, nhiều cột thạch nhũ thiên tạo tuyệt đẹp đã bị một số du khách vô ý thức viết, vẽ, cạo sần sùi hoặc sờ vào khiến cho nhũ đá bị thâm đen. Một số nhũ đá còn bị đập để mang về. Một số góc khuất, mùi xú uế còn bốc lên nồng nặc…
Thực tế, ngoài những “phượt chuyên nghiệp” mang đam mê khám phá thiên nhiên thì đa số nhiều người đi với tâm lý đám đông, ngẫu hứng, đi để thể hiện sự “thức thời” của mình ở mọi miền Tổ quốc. Họ đi chỉ lăm lăm tới đúng cột mốc, đến mùa tam giác mạch, đến những địa điểm đang tạo nên “cơn sốt” để chụp ảnh làm dày những dấu “check-in” trên mạng xã hội.
Nếu cứ với ý thức như vậy thì vẻ đẹp tự nhiên, mộc mạc của từng vùng đất đã, đang và sắp được khám phá sẽ sớm mất đi vẻ đẹp vốn dĩ ban đầu của nó mà thay vào sẽ là chính những bằng chứng của “điểm trừ” cho ý thức xã hội trẻ: “Rồi mọi người lại ùn ùn kéo đến, mang theo đồ ăn, đồ uống, chạy nhảy, giẫm đạp hàng giờ trên cánh đồng hoa. Rồi khi hoa bị gãy nát thì cũng là lúc mọi người ra về”, Phùng Hạnh, một người dân của vùng Ba Vì lại bày tỏ lo lắng.
Liệu rồi trào lưu ngắm hoa sẽ còn lại được bao nhiêu mùa với kiểu ý thức “đẹp cho mình” như thế này? Chiêm ngưỡng thiên nhiên hay là sự “tàn phá” và nỗi chán nản của người dân địa phương? Dù là du lịch đến nơi đâu, ngắm loại hoa nào thì ý thức với việc bảo tồn, giữ gìn những cánh đồng hoa xinh đẹp hay cảnh sắc hoang sơ vẫn luôn là điều cần cảnh tỉnh.
Câu chuyện đến hẹn lại lên, hoa vẫn nở rộ rực rỡ nhưng cảnh có đẹp hay không tất cả tùy thuộc vào ý thức bảo vệ cảnh sắc thiên nhiên của con người.