1. Bún cua thối
Bún cua thối được xem là một trong những món bún Tây Nguyên nổi bật, có cái tên độc đáo. Món ăn tuy không có mùi hương dễ chịu như những món bún khác nhưng chắc chắn sẽ là một hương vị đặc biệt mà bạn không thể quên.
Một tô bún cua thường có bún, măng và nước dùng, bên trên có hành phi, da heo. Ăn cùng món này là trứng vịt om, rau sống, ngoài ra còn có chả ram, nem chua,… vô cùng hấp dẫn.
Vốn có nguồn gốc từ Bình Định tuy nhiên khi đến Gia Lai, bún cua thối đã trở thành một món ăn đặc biệt với nước dùng được ủ bằng cua đồng lên men, người ta đã cho ra một món ăn độc lạ. Đây là món ngon kén người ăn, nhưng nếu có dịp đến vùng đất Tây Nguyên hãy thử một lần thưởng thức qua món bún này để làm đa dạng hơn trải nghiệm ẩm thực của chính mình nhé!
2. Bún đỏ
Ngoài món bún cua thối, còn có món bún đỏ không thể bỏ qua trong danh sách những món bún Tây Nguyên. Bún đỏ dễ thưởng thức hơn vì không có mùi lạ, hương vị cũng thơm ngon nên rất được du khách yêu thích.
Tên gọi của bún đỏ bắt nguồn từ màu sắc của sợi bún. Nguyên nhân là do người dân ở đây sử dụng thêm hạt điều để nấu nước dùng, vừa tăng hương vị thơm ngon cho món ăn, vừa tạo ra màu sắc hết sức bắt mắt và ấn tượng. Thoạt nhìn, món bún này trông như bún riêu tuy nhiên lại có khá nhiều nét khác biệt.
Bún đỏ hấp dẫn với nước dùng nấu từ xương, thịt cua đồng, thịt ba chỉ băm nhỏ tẩm ướp các gia vị và cả gạch cua. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngon của món bún này. Để nấu món này, người ta phải dùng bún đỏ chuẩn Đắk Lắk, loại bún có sợi to trông như sợi bánh canh. Tuy nhiên sợi bún phải có độ dai nhất định, không bở hay bị đứt gãy khi cho vào tô và chan nước dùng vào.
Một tô bún đỏ sẽ gồm trứng cút, gạch cua, chả, thịt viên, tóp mỡ, rau,… Để trung hòa hương vị, bún sẽ được ăn kèm thêm giá và cải ngọn trụng sơ qua, tạo nên một tổng thể vừa đậm đà, vừa thanh mát.
3. Bún nước Kon Tum
Đây là một món ăn khá đặc biệt được biến tấu từ món bún tôm Bình Định. Nguyên liệu làm bún nước Kon Tum thường có tôm tươi, bún gạo, trứng, giá đỗ và thịt bò băm. Đặc biệt, sợi bún của món ăn này thường được chế biến ngay tại chỗ nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng.
Sau khi mang tôm tươi đi sơ chế và bóc sạch vỏ, người ta sẽ giã nhuyễn chúng rồi quét vào bát và lần lượt thêm các nguyên liệu khác, sau đó chan nước luộc bún vào. Không dùng nước hầm xương như những món bún khác, món bún này được chế biến từ nước luộc bún, sau đó là thêm gia vị vào để tăng thêm độ ngon cho món ăn.