Bún gỏi dà Sóc Trăng
Bún gỏi dà lại khá phổ biến ở 1 số tỉnh miền Tây, nhất là Sóc Trăng. Bún gỏi dà có xuất phát điểm là gỏi cuốn với các nguyên liệu quen thuộc như tôm luộc, thịt heo luộc, bún, rau, giá đỗ, đậu phộng rang,… Tuy nhiên, về sau người ta đã cho tất cả nguyên liệu này vào trong tô, trộn đều với nước dùng ăn gỏi rồi ăn theo cách lùa vào miệng. Do vậy nên món bún này mới có tên gọi độc đáo như thế.
Trước đây, bùn gỏi dà là món bún khô. Mỗi phần sẽ bao gồm 1 tô bún kèm chén nước dùng. Thế nhưng, bây giờ phần nước dùng đã được chan trực tiếp vào trong tô để dễ ăn hơn. Phần nước dùng này thường có vị chua nhẹ của me và mùi thơm đặc trưng của tương hột xay. Đây cũng chính là điểm nhấn khiến món ăn được nhiều người yêu thích.
Bún suông Trà Vinh
Bún suông được xem là một đặc sản của Trà Vinh, với thành phần chính chỉ gồm bún, tôm và thịt ba chỉ. Gọi là bún suông chủ yếu là cách chế biến tôm ăn cùng món bún, tôm tươi sẽ được đem xay nhuyễn, mịn, tẩm ướp gia vị đậm đà, rồi quết nhiều lần để tạo độ dai, xong nặn thành từng sợi dài.
Điểm đặc biệt của món bún này khiến ai cũng phải thòm thèm chính là phần nước lèo đậm đà. Nước lèo của bún suông được hầm từ xương heo, khô mực, đầu tôm, tạo ra độ ngọt thanh tự nhiên rất bắt miệng. Người ta còn thêm chút dầu hạt điều, mắm bò hóc, chút me và tương hạt để hương vị món bún đậm đà và hấp dẫn.
Bún nhâm Kiên Giang
Ngoài bún kèn, Kiên Giang còn có món bún nhâm thu hút thực khách. Bún nhâm cũng dùng nhiều nguyên liệu giống như bún kèn nên hai món này thường được bán cùng nhau. Thế nhưng, điểm khác biệt của bún nhâm lại nằm ở chỗ, nó được trộn khô và ăn kèm rau sống, chà bông tôm cùng nước mắm pha chua ngọt.
Vẻ ngoài bắt mắt của các phần nguyên liệu trong tô bún nhâm: sợi bún, thịt bò, đậu phộng và kèm với các loại rau. Chính nhờ sự hài hòa trong tô bún khiến thực khách lần đầu nhìn thấy đều có một ấn tượng nhất định.
Bún xiêm lo Long An
Bún xiêm lo cũng là một trong những món bún độc lạ miền Tây gắn liền ẩm thực Long An. Bún xiêm lo vốn có nguồn gốc từ người Khmer với nguyên liệu ban đầu khá đơn sơ từ cá lóc, mắm bò hóc, nghệ tươi đập giập ăn cùng muối ớt. Khi du nhập vào Việt Nam, món ăn cầu kỳ hơn, đủ sắc - hương - vị hơn với thịt cá lóc cùng ít da heo.
Đặc biệt, bún xiêm lo cũng không thể thiếu được giá cùng rau tai tượng cắt nhuyễn - loại cây mọc phổ biến ở vùng sông nước miền quê. Múc một tô bún cùng đầu cá lóc, chan nước lèo ngập mặt nóng hổi với vị béo của da heo, vị thanh ngọt của thịt cá, thơm nồng của nghệ tươi khiến thực khách không thể nào dừng đũa.