Cây me là một loại cây nhiệt đới, có nguồn gốc ở miền Đông châu Phi. Ở Việt Nam, chúng được trồng làm cảnh, lấy bóng mát. Đặc biệt chúng gắn bó một thời về niềm ký ức của bao trẻ thơ vùng thôn quê.
Câu me chua là loại cây thân gỗ và có thể cao tới 20 mét. Cây thường xanh quanh năm, gỗ của thân cây me bao gồm 2 lớp: lớp gỗ lõi cứng bên trong màu đỏ sẫm và lớp dác gỗ mềm bên ngoài có màu ánh vàng. Lá của cây có dạng lá kép lông chim, bao gồm từ 10 đến 40 lá kép nhỏ. Hoa me ở dạng cụm, cụm hoa với trục kéo dài và nhiều cuống nhỏ chứa một hoa. Quả me là loại quả đậu màu nâu, bên trong chứa cùi thịt và nhiều hạt có vỏ cứng.
Là một loại cây nhiệt đới, cây me có thể sống và phát triển tốt trong môi trường có khí hậu nóng, đất khô, nơi có sương giá. Do đó, chúng là loại cây dễ sống và được nhiều người trồng mà không phải tốn nhiều công chăm sóc.
Trái me non và lá me non là thứ gia vị đặc biệt không thể thiếu trong món canh chua của miền Nam. Khi chín, quả có vị ngọt ngọt, chua chua thường được chế biến làm nước giải khát hay làm mứt, ô mai. Khi quả me đủ độ căng tròn, vỏ khô nâu bóng, lấy móng tay bóc nhẹ thấy vỏ róc, thịt me xanh xanh ngả vàng là thời điểm trái me ngon nhất.
Ngoài me tươi, những sản phẩm làm từ quả me rất được ưa chuộng. Mứt me chua ngọt giá 180.000 đồng/kg, siro me có giá 70.000 đồng/chai, me sấy 60.000 đồng/kg. Ở siêu thị còn bán me tách hạt đóng túi zip, bảo quản ngăn lạnh có thể dùng dần để nấu canh, kho cá... được bán với giá khoảng 50.000 - 80.000 đồng/kg.
"Nếu xưa trái me chỉ dùng để làm cảnh hoặc dành cho đám trẻ nông thôn ăn chơi chơi thì giờ đã trở thành đặc sản nổi tiếng được dân thành phố ưa chuộng.
Quả me chua nấu cá rất ngon, có vị chua khác với các loại quả khác như sấu, tai chua... Loại quả này vào mùa từ ra Tết, khách ở chung cư mua về để nấu canh hoặc ngâm đường thành siro giải nhiệt mùa hè", chị Khánh Hoà (29 tuổi, Hà Nội) cho hay.
Theo y học dân gian, me có vị chua, tính mát, thanh nhiệt, giải khát, tăng cường hệ tiêu hóa, tăng sức đề kháng cho cơ thể…