Ở miền Tây, từ tháng 7 đến tháng 10 là lúc nước lũ tràn về mang theo phù sa và đầy ắp các loại tôm cá. Khi đó, họ thường bắt cá to ngon mang ra chợ bán, còn cá bé như lòng tong, bống trứng… sẽ gom thành mẻ rồi mang về chế biến. Họ gọi chúng là hủn hỉn.
Chị Ngọc Ánh (32 tuổi, An Giang) cho biết, hủn hỉn không phải là tên một loại cá. Nó là tổng hợp các loại cá nhỏ, vụn vặt. Theo đó, cá hủn hỉn mang về được vớt ra rổ, nhặt sạch cỏ rác rồi rửa sạch bằng muối, để ráo nước. Sau đó người dân cho vào nồi kho tiêu, kho nghệ, kho lá gừng.
"Để có một nồi cá hủn hỉn kho với lá gừng đúng vị phải kho nhạt. Khi nước đang sôi, người nấu đổ mớ cá cùng lá gừng và mẻ vào, lấy đũa đảo nhẹ cho đều, đậy vung lại, nước sôi là cá chín. Sau đó họ rưới lên 1 ít mỡ heo và ít trái ớt hiểm là có thể mang ra thưởng thức.
Cái hương vị đó tôi chẳng thể nào quên được. Nó thơm ngon, bùi bùi và ăn được cả xương. Giờ chúng là đặc sản hiếm có, không phải ai cũng mua được", chị Ánh nói.
Cá hủn hỉn không bán online như các loại cá đặc sản khác. Thỉnh thoảng ở chợ quê có người mang cá hủn hỉn ra chợ bán với giá 100.000 đồng/kg. Bởi vậy những ai muốn ăn phải đặt trước cả tháng mới có.
Trong các nhà hàng quán ăn ở An Giang, món cá hủn hỉn kho tiêu được lòng du khách. Nhiều người nhận xét món cá hủn hỉn kho tiêu này có vị độc đáo, còn ngon hơn cá to đem kho. Khi kho phải cho tiêu nhiều một chút và cho thêm nước màu để cá ngả màu vàng ngà trông ngon mắt.
"Nước cá hủn hỉn kho người ta đem chấm với chuối chát, khế và một số loại khác có sẵn ở ruộng vườn, chẳng mấy chốc "đánh bay" nồi cơm. Nhiều khách du lịch tới An Giang cũng tìm đến các quán ăn thưởng thức món ăn được chế biến từ loại cá này", người phụ nữ cho hay.