Ở nhiều quốc gia trên thế giới, những bữa ăn đầu năm mới không chỉ là dịp để các thành viên gia đình sum họp bên nhau mà còn mang ý nghĩa cầu mong những điều tốt đẹp sẽ tới. Tùy từng văn hóa, quan niệm mỗi nước mà những phong tục về bữa ăn dịp đầu năm mới cũng có sự khác biệt và độc đáo riêng.
Nhật Bản
Người Nhật mỗi dịp đầu năm mới sẽ thường thưởng thức món mì Toshikoshi Soba từ bột kiều mạch với những sợi mì dài. Người dân xứ sở hoa anh đào tin rằng sợi mì càng dài thì họ sẽ gặp càng nhiều may mắn.
Ngoài ra, một món ăn truyền thống khác không thể thiếu trong ngày Tết ở Nhật Bản là Osechi Ryori, có nguồn gốc từ hơn 1000 năm về trước và được bắt đầu từ những món đơn giản. Ngày nay, số lượng món đã được tăng lên tùy vào cuộc sống dư dả và sở thích của từng gia đình.
Osechi ryori là một bữa ăn theo kiểu truyền thống của Nhật Bản dành riêng cho ngày đầu năm mới. Một set đồ ăn sẽ bao gồm rất nhiều những món khác nhau (thường là đồ nguội) đựng trong chiếc hộp sơn mài nhiều tầng được gọi là “jubako”. Mỗi món ăn trong hộp đều vô cùng hấp dẫn và có mang những ý nghĩa riêng để tượng trưng cho những lời chúc tốt lành cho năm mới.
Trung Quốc
Ngày đầu năm mới, người Trung Quốc thường ăn những chiếc bánh bao tròn nhỏ tên là sủi cảo. Theo phong tục của người Trung Quốc, các gia đình thường cùng nhau gói sủi cảo trong đêm giao thừa. Sau đó, mọi người cùng nhau thưởng thức khi bánh còn nóng hổi. Người Trung Quốc tin rằng ăn sủi cảo trong đêm giao thừa và ngày đầu năm mới sẽ mang lại sự thuận lợi, sung túc trong cả năm.
Sủi cảo được làm từ vỏ bánh bằng bột mì, nhân sủi cảo được làm từ thịt trộn lẫn với rau xanh. Khi gói sủi cảo cần chú ý phần viền bánh phải đều, tượng trưng cho sự cân bằng “viên phúc”. Miếng sủi cảo thường được gói theo hình bán nguyệt, tượng trưng cho nén bạc cổ mang đến sự giàu sang, tiền tài.
Hàn Quốc
Hàn Quốc cũng là nước đón Tết Nguyên đán giống như Việt Nam. Ngày Tết của người Hàn Quốc không thể thiếu món Tteokguk, còn được gọi là canh bánh gạo, trong bữa ăn đầu tiên của năm mới. Các thành viên trong gia đình sẽ cùng làm canh bánh gạo trong buổi sáng ngày mùng 1 với ý nghĩa về một năm mới tràn đầy hạnh phúc và thành công.
Tteokguk được làm từ bánh gạo gọi là Tteok, cùng với nước xương bò hầm, thịt bò và hành hoa. Bánh gạo được thái vát, miếng mỏng, hình bầu dục và màu trắng tượng trưng cho sự trường thọ, sự thanh khiết của con người và mọi vật trên thế giới.
Ngoài ra, tok và garettok cũng là hai món ăn luôn có trong ngày Tết ở Hàn Quốc. Đây là các món ăn từ các loại thịt gia súc và gia cầm, chế biến bằng cách đem chiên.
Rượu gui balki sool là thức uống bắt buộc trong ngày Tết, ai cũng phải uống dù ít hay nhiều để lấy may mắn. Người Hàn Quốc còn có quan niệm cho rằng các món trên khi tự tay chế biến sẽ mang lại nhiều tài lộc.
Hy Lạp
Bánh Vasilopita là một loại bánh ngọt truyền thống của Hy Lạp, được ăn vào những dịp đặc biệt cũng như đầu năm mới. Chiếc bánh này chỉ đơn thuần là bánh ngọt bơ bình thường, song điều khiến chúng trở nên đặc biệt đó chính là có một đồng xu nhỏ, và ai may mắn bắt được đồng xu này trong phần bánh của mình sẽ được coi là người may mắn và hạnh phúc nhất trong năm.
Singapore
Trong những ngày đầu năm, bữa cơm của các gia đình Singapore không thể thiếu món gỏi cá Yusheng – còn được gọi là gỏi thịnh vượng.
Gỏi cá Yusheng được trang trí đẹp trong một bát to hoặc đĩa đến khi ăn mới được trộn đều. Khi trộn gỏi cá cần trộn các nguyên liệu lên càng cao càng tốt mang ý nghĩa về sự trọn vẹn, đầy đủ và thịnh vượng.
Italy
Người Italy ăn mừng ngày đầu năm mới với món ăn truyền thống là Cotechino con lenticchie (món hầm gồm xúc xích thịt heo và đậu lăng xanh) để đem lại nhiều may mắn cho cả năm. Trong đó, đậu lăng xanh có hình dạng giống những đồng xu, thể hiện cho sự may mắn và tiền bạc, còn thịt heo tượng trưng cho sự sung túc, đầy đủ.
Thổ Nhĩ Kỳ
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng quả lựu mang sắc đỏ là tượng trưng cho may mắn. Theo truyền thống, mọi người sẽ đập những quả lựu đỏ mọng này vào cửa ra vào, và quả càng vỡ to thì sẽ càng nhiều may mắn đến trong năm mới.
Hà Lan
Người Hà Lan đón năm mới bằng những chiếc bánh rán phủ đường nhỏ, có tên là Oliebollen. Oliebollen mang ý nghĩa là “Old and New”, “cũ và mới”, tượng trưng cho những điều đã qua trong năm cũ và hướng đến những điều mới mẻ của năm sau.