1. Cơm dừa Bến Tre
Cơm dừa là đặc sản Bến Tre quyến rũ thực khách gần xa. Một món ăn dân dã mà khi nghe qua cái tên tưởng chừng đơn giản nhưng khi bắt tay vào chế biến là cả một quá trình phức tạp.
Để món cơm ngon đúng vị thì việc lựa chọn nguyên liệu cũng như cách sơ chế đóng vai trò cực kì quan trọng, phải lựa dừa xiêm có nước ngọt thì cơm mới có được vị ngon ngọt, có chút hương thơm của mùi dừa khiến thực khách không thể chối từ. Bạn có thể ăn cơm dừa không kèm nước tương ớt cay cay, mằn mặn giúp cho bữa ăn trở nên ngon miệng.
2. Bánh xèo ốc gạo cồn Phú Đa
Cồn Phú Đa là cồn nhỏ thuộc xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Cồn Phú Đa còn được người dân Bến Tre gọi là cù lao ốc hay cồn ốc gạo bởi trên cồn có một loại ốc gạo tự nhiên rất to, thịt giòn, vị ngon ngọt hơn hẳn ốc gạo ở những nơi khác. Nếu có dịp đến đây, du khách hãy nhớ thưởng thức các món ăn được chế biến từ ốc gạo, đặc biệt là món bánh xèo ốc gạo.
Bánh xèo có phần nhân được làm từ ốc gạo, vỏ bánh giòn rụm ăn bắt miệng. Mâm bánh xèo ốc gạo dọn ra với đầy đủ các loại rau dại, nước chấm trông thật bắt mắt.
Để ăn kèm với bánh xèo này bạn có thể làm cho mình một chén nước chấm thật thơm có vị ngọt chua vừa phải kèm thêm vào là những sợi cà rốt bào ăn giòn sừng sực. Đặc biệt ăn bánh xèo là phải có rau rừng nên hãy chuẩn bị thật nhiều rau để ăn cùng món bánh này nhé.
3. Bánh canh bột xắt
Bánh canh bột xắt từ lâu đã trở thành “thương hiệu” ẩm thực của Bến Tre. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì khi chế biến, bột bánh canh được cán mỏng và sau đó xắt thành từng sợi nhỏ bằng ngón tay sao cho vừa ăn, cho vào nồi nước luộc sôi cho chín.
Bánh canh bột xắt có nhiều kiểu biến tấu khác nhau nhưng phổ biến nhất là thưởng thức cùng giò heo. Nước dùng của loại bánh canh giò heo chủ yếu được chế biến từ xương, giò, nấm, củ cải. Sự kết hợp của sợi bánh canh bột xắt dai dẻo, trơn, nước dùng đậm đà và ăn thêm miếng thịt giò heo giòn giòn chấm nước mắm, khiến ai đã từng thử qua đều nhớ mãi.
4. Gỏi củ hũ dừa tôm thịt
Gỏi củ hũ dừa là đặc sản mà người dân thường dùng để đãi khách. Củ hũ dừa là phần trên của cây dừa, nằm sâu trong thân, bao gồm chồi non chưa nhú ra bên ngoài và cuống lá. Bởi thế khi muốn chế biến món gỏi củ hũ dừa phải đốn một cây dừa để lấy phần non trắng muốt trên thân cây.
Gỏi củ hũ dừa có vị chua ngọt vừa ăn, giòn, thơm và mát, ít béo. Nguyên liệu để làm món gỏi này còn có tôm sú bóc nõn, thịt ba chỉ, tái lợn thái mỏng, rau răm, hành tây và lạc rang giòn. Sau khi trộn củ hũ dừa được bào mỏng thành những sợi dài cùng các nguyên liệu, người ta nêm thêm gia vị, đường, tạo thành món gỏi hấp dẫn. Ăn kèm món gỏi là chén nước mắm chua ngọt và những chiếc bánh phồng tôm giòn tan.
5. Cá bống kho nước dừa
Cá bống dừa Bến Tre ngon, săn chắc, có vị thơm lừng và béo ngậy. Nguyên liệu để nấu cá bống kho nước dừa bao gồm cá bống dừa, nước màu, dừa xiêm, hành, tỏi, hạt nêm… và dụng cụ nấu phải là chiếc nồi đất mới cho ra món ăn mang hương vị đặc biệt.
Cá bống kho nước dừa càng thêm ngon khi ăn cùng cơm trắng nóng hổi, cù nèo, bông súng, đậu rồng chấm nước cá. Món ăn mang hương vị dân dã, đậm đà luôn khiến thực khách khó quên.
6. Canh chua cá linh bông so đũa
Canh chua cá linh bông so đũa được nhiều thực khách yêu thích khi về Bến Tre. Vào thời điểm nước lên đồng, cá linh về nhiều nhất và bông so đũa mới trỗ bông. Người dân nơi đây lại nô nức đi bắt cá linh và hái bông so đũa về nấu canh chua. Cá linh to, béo và thịt của nó nhiều mỡ, ăn mềm và ngọt. Bông so đũa có màu tím hoặc trắng, có vị đắng nhưng ngọt hậu.
Nguyên liệu để nấu canh chua cá linh bông so đũa rất đơn giản, chỉ gồm cá linh, bông so đũa, me, hành ngò, gia vị, bột nêm, ớt. Ăn canh chua cá linh bông so đũa với cơm trắng, có thể kèm nước mắm nguyên chất. Một bát canh chua nóng hổi, húp một thìa nước thôi là đã có thể cảm nhận được vị ngọt của cá, hương thơm ngát của bông so đũa.
7. Dừa sáp
Dừa sáp là giống dừa có nguồn gốc ở Trà Vinh nhưng được nhân giống và trồng phổ biến ở nhiều tỉnh khác nhau của Bến Tre. Vựa dừa sáp Bến Tre lớn nhất nằm tại khu vực đường Đồng Văn Cống, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Dừa sáp thơm ngon, béo mịn, có thể chế biến thành nhiều thức uống hấp dẫn. Buổi trưa nắng được nhâm nhi một ly dừa sáp hòa quyện cùng chút sữa, đậu phộng, dừa bào tươi mát thì còn gì tuyệt vời hơn.
8. Chuối đập nước cốt dừa
Trong những món đặc sản Bến Tre, bạn nhất định không thể bỏ qua món chuối đập nước cốt dừa hấp dẫn. Món ăn có sự kết hợp tinh tế giữa hai loại sản vật nổi tiếng của tỉnh Bến Tre: dừa và chuối. Sở dĩ có tên gọi “chuối đập” bởi phải dùng vật dụng đập cho quả chuối dẹt ra mới thành món ăn.
Nguyên liệu để làm món chuối đập là những quả chuối còn xanh chứ chưa chín mềm hẳn, tức là chuối đã ở giai đoạn còn khoảng 3-4 ngày nữa mới chín để ăn được. Thành phần không thể thiếu để làm nên món chuối đập ngon đó chính là phần nước cốt dừa rưới lên. Nước cốt dừa được nêm thêm đường, muối vừa ăn cùng một ít hành lá xanh để tạo mùi thơm. Miếng chuối đập nóng hổi, dẻo dai, bùi ngọt chấm với nước cốt dừa béo ngọt, mặn, dễ “gây nghiện” thực khách.
9. Kẹo dừa Bến Tre
Bến Tre vốn nổi tiếng là xứ dừa, nên kẹo dừa Bến Tre không còn quá xa lạ đối với người dân cũng như du khách khi ghé thăm nơi đây. Kẹo dừa gồm nhiều loại như kẹo dừa dẻo nước cốt dừa, kẹo dừa dẻo đậu phộng, kẹo dừa đậu phộng sầu riêng, kẹo dừa dẻo sầu riêng, kẹo dừa cacao, kẹo dừa cacao sầu riêng, kẹo dừa lá dứa, kẹo dừa khoai môn,…
Kẹo dừa Bến Tre đã là một món quà quê hương độc đáo để giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế.
10. Bánh phồng Sơn Đốc
Bánh phồng Sơn Đốc (tỉnh Bến Tre) thơm lừng mùi bột nếp, bột mì kết hợp cùng vị dừa béo béo, ngọt thanh đơn giản nhưng lại khiến người ăn nhớ mãi. Món bánh này là đồ ăn vặt phổ biến với nhiều người dân Bến Tre, chỉ cần đứng từ xa ngửi thấy mùi thơm của bánh thôi cũng đủ khiến bạn khó cưỡng lại. Bánh phồng ngon nhất khi được thưởng thức cùng trà.
Tuy vẻ bề ngoài của chiếc bánh không có gì đặc biệt nhưng khi ăn vào bạn mới có thể cảm nhận được hương vị thơm ngon đặc trưng từ món ăn này. Nếu có dịp về Bến Tre, bạn hãy ghé qua làng bánh phồng Sơn Đốc (xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm) để có thể tận mắt chứng kiến quá trình làm ra từng chiếc bánh phồng thơm ngon, thưởng thức bánh ngay tại chỗ hay mua về làm quà cho người thân, bạn bè.
11. Chuột dừa
Chuột dừa có thịt béo hơn chuột đồng, trọng lượng cũng xấp xỉ chuột đồng. Chuột dừa thường sống trên cây. Sau khi săn chuột dừa, người ta thường chế biến thành các món ăn, mồi nhậu.
Cách chế biến chuột dừa cũng như chuột đồng. Nhưng với người dân Bến Tre, cách ăn ngon nhất là: Bắt nồi cơm lên bếp, lấy lá chuối lót lên cơm và để mấy con chuột dừa đã làm sạch vào đậy nắp nồi lại. Khi cơm sôi lần cuối, mở nắp nồi ra thì thịt chuột đã chín bốc mùi thơm. Lúc này, xé thịt nhâm nhi với cơm trắng, rau răm và muối tiêu ớt.
12. Bánh dừa Giồng Luông
Bánh dừa Giồng Luông với từng lớp lá màu vàng nhạt được mở ra từ bên ngoài, bên trong mang hương vị dẻo thơm của nếp, béo ngậy của nước cốt dừa, ngọt bùi từ đậu hay ngọt ngào vị chuối.
Bánh dừa có khâu chọn nguyên liệu cho đến gói và hấp bánh rất kỳ công, tỉ mỉ, vì thế khi thưởng thức, bạn không chỉ cảm nhận được hương vị thơm ngon của bánh mà còn thấy được cả tấm lòng ấm áp của người thợ làm bánh.