Từ lâu, bào ngư đã được xem là thứ dành cho giới thượng lưu, xuất hiện trên bàn ăn của giới quý tộc vì bổ dưỡng, quý hiếm và đắt đỏ. Chúng thuộc loài nhuyễn thể 2 mảnh với thân mềm.
Bào ngư có đặc điểm: vỏ ngoài có nhiều vân tím, nâu, xanh xen kẽ nhau; mặt trong có lớp xà cừ óng ánh; chân rộng, có cơ bám chắc vào đá đáy biển. Khi còn nhỏ, chúng sống ở gần bờ, sâu dưới các tảng đá ngầm lớn. Còn bào ngư chất lượng sẽ có ở sâu dưới đáy biển. Vì thế quá trình đánh bắt chúng rất khó khăn.
Bào ngư có nhiều ở vùng nước sâu tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, chúng chỉ có ở vùng biển miền Trung như Nha Trang, Phú Yên, Quý Nhơn, Bình Thuận và Cô Tô (Quảng Ninh).
"Ngày xưa bào ngư ít người biết tới, hầu như chỉ có những gia đình giàu có mới được thưởng thức. Gần đây, chúng được bán rộng rãi trên thị trường. Tùy vào xuất xứ, kích thước và chất lượng mà chúng có giá bán khác nhau, dao động 350.000 - 800.000 đồng loại tươi, còn bào ngư khô tên tới vài triệu đồng/kg", chị Ánh (33 tuổi, Quảng Ninh) cho biết.
Khi chọn bào ngư, khách hàng nên chạm tay vào thịt của chúng, nếu thịt co lại chứng tỏ bào ngư chắc thịt, tươi ngon. Ngoài ra bạn có thể nhìn hình dáng bên ngoài để biết con nào chắc thịt hơn. Cụ thể, bạn hãy chọn những còn phần thân tròn trịa, thịt mập, thân hình đồng đều cùng những vệt đỏ ở giữa thân.
Theo chị Ánh, bào ngư có thể chế biến được rất nhiều món ngon như bồ câu hầm bào ngư, cháo bào ngư, bào ngư hầm hạt sen thịt nạc, bào ngư hầm nấm đông cô, súp bào ngư rau củ, bào ngư om lòng trắng gạch cua, bào ngư nướng than hồng…
"Thịt bào ngư được đánh giá là cứng nhưng giòn, có mùi thơm, ngọt và bổ dưỡng. Chúng được liệt vào danh sách 8 loại hải sản quý giá từ biển", chị Ánh nói.
Theo quan niệm của y học cổ truyền, thịt bào ngư có vị mặn, tính ôn, có tác dụng bổ hư, tư âm, nhuận phế thanh nhiệt… Những người thích hợp dùng bào ngư: người trong giai đoạn mãn kinh, mãn dục, cường tuyến giáp trạng, khả năng tập trung kém.