Bánh giầy là món bánh truyền thống có mặt ở nhiều vùng miền khác nhau. Ở miền Bắc có bánh giầy Quán Gánh (Hà Nội), bánh giầy làng Gàu (Hưng Yên)... rất nổi danh. Chúng cho hương vị bánh khác nhau nhưng đều mang âm hưởng của tiên tổ.
Nghề làm bánh giầy truyền thống của làng Gàu (Cửu Cao, Văn Giang) không rõ có từ bao giờ. Người ta chỉ biết rằng đã từ xa xưa cứ đến dịp giỗ Tổ hoặc Tết Nguyên đán, người làng lại tưng bừng giã gạo, nặn bánh. Thậm chí nó còn được ví von: "Mâm cao cỗ đầy/ Không bằng bánh giầy làng Gàu”.
"Đây là thứ bánh đặc sản nổi tiếng xứ nhãn quê mình. Chúng nho nhỏ, được thợ bánh nhẹ nhàng đặt lên thếp lá chuối tươi xanh. Ai nhìn cũng thấy bị hớp hồn nhưng ít biết được để cho ra mẻ bánh thơm dẻo là cả một quá trình nhiều công đoạn. Nó yêu cầu sự khéo léo, tinh tế và bí quyết riêng của người làng", chị Ngọc (30 tuổi, ngụ xã Cửu Cao) cho hay.
Cũng theo người phụ nữ, gạo làm bánh phải là nếp cái hoa vàng loại 1, hạt mẩy, đanh, mười hạt óng cả mười thì bánh mới dẻo thơm. Theo đó, gạo sau khi ngâm sẽ được mang đi đồ thành xôi và giã ngay lúc còn nóng. Như vậy bánh mới mềm, mịn và giữ được vị thơm ngon.
"Xưa người dân quê mình giã bánh bằng cối đá và chày gỗ. Ngày nay, mọi nhà đều chuyển sang dùng máy móc nhưng vẫn phải dùng chày gỗ, giã liên tục thì xôi mới nhuyễn đều, giã càng kỹ càng dẻo, dính quyện lấy nhau thì mới đạt tiêu chuẩn", chị Ngọc nói.
Làm nhân bánh giầy cũng khá cầu kỳ, cần sự khéo léo của thợ bánh. Cụ thể nhân bánh làm từ đỗ xanh, được tuyển kỹ và ngâm nước ấm chừng 40 độ qua đêm, sau đó đãi sạch vỏ, hấp chín nhừ tơi. Tiếp đó thợ sẽ giã đỗ nhuyễn sánh rồi nắm thành những nắm nhỏ.
Cũng theo chị Ngọc, để bánh có độ dẻo, dai, thợ bánh phải dùng tay sạch để vắt khối bột nếp thành những nắm nhỏ đều nhau. Sau đó họ nắn, vo tròn, bóp bẹp rồi dàn vỏ bánh dẹt đều, cho nhân vào và vê kín lại.
Bánh giầy làng Gàu có 3 loại: Chay, ngọt và mặn. Bánh chay không nhân, thường ăn kèm với giò hoặc chả. Bánh ngọt là nhân đỗ xanh được nấu chín, giã nhuyễn, xào với đường, dừa bào. Bánh mặn gồm đỗ xanh, mỡ, tiêu.
Ngoài ra người dân còn làm bánh giầy nếp cẩm, lá dứa... "Dù là loại nào đi chăng nữa thì bánh giầy làng Gàu luôn dẻo mịn, thơm mùi gạo nếp cái hoa vàng, vị ngọt thanh thanh của dừa, bùi bùi của đỗ xanh hoặc đậm đà của thịt mỡ.
Mình tin rằng ai ăn thử bánh giầy làng Gàu sẽ cảm nhận được hương vị đặc trưng mà không đâu có được. Ngày nay, nó thường xuất hiện trên mâm cỗ ngày lễ tết hoặc là thức quà ăn sáng được ưa chuộng đến lạ", chị Ngọc nói.