Hưng Yên có nhiều đặc sản làm nao lòng thực khách gần xa mỗi khi ghé tới. Trong đó chúng ta phải kể đến tương bần - đặc sản bao đời nay, đi đôi với nền văn hóa ẩm thực của xứ nhãn nói riêng và Việt Nam nói chung.
Tương bần Yên Nhân xuất hiện từ thế kỷ 13, phát triển nhất từ lúc nhà Lý dời đô ra Thăng Long. Thời đó, Hưng Yên có hai đặc sản mang đi tiến vua: tương bần và nhãn lồng. Cả hai đều nhận được sự tấm tắc khen ngợi từ vua chúa và các quan thần.
Theo thời gian, tương bần cũng trở thành niềm tự hào của người dân thị trấn Bần (Mỹ Hào, Hưng Yên) và đi vào thơ ca, âm nhạc một cách gần gũi, dung dị:"Anh đi anh nhớ quê nhà/Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương” .
Chị Hồng (29 tuổi, ngụ thị trấn Bần) cho biết, để làm được mẻ tương như ý, đúng với kỹ thuật xưa phải trải qua rất nhiều công đoạn. Theo đó, nguyên liệu làm tương không thể thay thế được là gạo nếp cái hoa vàng, đỗ tương và muối.
"Công đoạn đầu tiên khi làm tương bần là phải chọn gạo nếp ngon, ngâm nước vài tiếng rồi đồ thành xôi, phơi trên nong hai ngày hai đêm cho ngả mốc hoa hòe là được. Khi xôi xuất hiện mốc, thợ sẽ đảo cho xôi rời từng hạt, rải đều lên nia rồi ủ tiếp.
Mốc làm tương hoàn toàn an toàn với sức khỏe con người. Nó được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp thực phẩm. Vì thế mọi người khi sử dựng tương bần cứ yên tâm", chị Hồng nói.
Sau đó, thợ mang đỗ tương rang với cát, đảo đều với lửa nhỏ để hạt chín đều có màu vàng và mùi thơm. Tiếp tục, họ ngâm đỗ tương với nước từ 7 đến 10 ngày.
Khi xôi lên mốc vàng đẹp, họ mang ra xoa cho tơi, rồi dùng nước đỗ ngâm tưới lên mốc, trộn đều rồi ủ một ngày đêm. Tiếp đó, họ cho mốc đã trộn vào chum đỗ cùng muối tinh với lượng phù hợp rồi phơi đủ nắng sẽ có thể ăn được.
Trong quá trình làm tương, quan trọng nhất là chọn gạo nếp chất lượng, đỗ vỏ mỏng ruột vàng, muối tinh khiết thì mới cho ra sản phẩm tương hoàn hảo.
"Qua bao thế kỷ, người dân quê tôi vẫn cố gắng giữ nghề, giữ lấy bí quyết làm ra nước chấm tiến vua thuở nào. Hiện tại xã hội phát triển với bao loại nước chấm gia vị khác nhau nhưng tương bần vẫn có chỗ đứng riêng trong ẩm thực. Đó là niềm tự hào của người dân", chị Hồng chia sẻ.
Cũng theo người phụ nữ, người dân tại thị trấn Bần có việc quanh năm, chẳng bao giờ lo thất nghiệp. Bởi tương làm đến đâu là xuất đi đến các tỉnh thành. Thậm chí, chúng còn được xuất khẩu sang Anh, Pháp, Nga...
Tương bần thường ăn kèm bánh đúc, đậu phụ rán, rau muống luộc, cà muối… hay dùng làm gia vị cho các món canh, món kho. Chúng có vị thơm của nếp cái hoa vàng và đỗ tương, mằn mặn của muối... Tất cả tạo nên vị nồng ngậy chứa đựng đầy ký ức tuổi thơ.