Theo các nhà nghiên cứu về văn hóa dân tộc thì từ thời cổ đại, gà trống đã trở thành loài vật linh thiêng trong nhiều hệ thống tín ngưỡng và thờ cúng với tư cách là lễ vật. Đặc biệt, đối với một đất nước nông nghiệp như nước ta thì hình cảnh con gà trống lại càng là biểu tượng gần gũi, vì nhiều lý do.
Gà là loài gia cầm được nhân loại thuần hóa từ rất sớm. Gà trống có thói quen gáy sáng, tiếng gáy vang xa, báo thức cho cả cộng đồng, nó trở thành dấu hiệu báo thời gian để con người ý thức về phạm trù ngày. Con gà cũng là người bạn thân thiết của mỗi con người chúng ta.
Về khía cạnh tâm linh, loài gà, đặc biệt là gà trống rất quan trọng trong tín ngưỡng thờ mặt trời với cư dân trồng lúa nước. Gà gọi mặt trời để tạo nên phạm trù thời gian. Chính vì vậy, cúng gà trống vào các dịp lễ Tết là điều không thể thiếu trong văn hóa Việt Nam ta từ xưa đến giờ.
Tuy nhiên, cúng gà là một chuyện, cách chọn gà sao cho đúng, luộc gà cúng sao cho đẹp lại là nhiều câu chuyện khác.
Khi chọn gà cúng Giao thừa, con gà được chọn phải là gà trống tơ khỏe mạnh, mào lớn màu cờ và dựng thẳng, mình gà vàng đầy đặn, chân vàng, mắt sáng trong.
Gà trống hoa mơ (chân cao, màu vàng hoặc trắng), rồi tới gà trống tía, trống đen, trống lông tạp, gà ri (màu mận, vàng sẫm, mào cờ 5 khía, chân nhỏ, chưa nhú cựa, da và chân màu vàng) cũng rất được chuộng để cúng tế.
Gà trống mổ moi, làm sạch sẽ bổ miệng, cứa khớp để hai chân quặp vào bụng phía sau. Lấy nước cốt chanh, và gừng giã vắt lấy nước, sát lên da gà để khử tanh và giúp gà khi luộc thơm hơn, sau đó rửa sạch, để ráo. Lấy sợi lạt để buộc gà kiểu cánh tiên. Còn lòng gà làm sạch sát muối để riêng.
Sau đó nướng 1 củ gừng, 1 củ hành, đập giập bỏ vào nồi nước luộc gà. Đổ nước vào nồi sao cho nước ngập gà. Bắc nồi nước lên bếp đun đến khi nước nóng già 80 độ C thì thả gà vào nồi. Đun tiếp đến khi nước sôi, giảm nhỏ lửa, để sôi liu diu trong vòng 7’-10’. Sau đó tắt bếp, om gà trong 15-25’ tùy thuộc trọng lượng gà. Cuối cùng vớt gà ra để ráo nước. Muốn da gà giòn khi vớt ra thả ngay vào nước thật lạnh.
Lưu ý, để đảm bảo gà vàng đẹp nên luộc lòng tiết riêng trong một nồi nhỏ khác, hoặc sau khi vớt gà ra mới nên cho lòng tiết vào nồi nước luộc gà.
Khi gà nguội lấy bông hồng đỏ cờ cài vào mỏ gà, lòng gà nhét bụng gà. Tuy nhiên, nên bỏ lòng riêng vì nhét vào bụng gà dễ bị thiu.
Bày gà cúng trên ban thờ trong nhà thường quay đầu gà vào trong bát hương với tư thế há miệng, chân quỳ, cánh duỗi tự nhiên. Tư thế này được coi là “con gà biết kêu, biết gáy, đang chầu”. Với mâm cúng giao thừa ngoài trời, gà bày quay đầu hướng ra phía ngoài (kiểu nghênh đón).
(Thông tin trong bài mang tính tham khảo, chiêm nghiệm)