Trải nghiệm nhiều hoạt động đáng nhớ ở Cồn Sơn
Cồn Sơn là cồn đất nhỏ nằm giữa dòng sâu Hậu, kết nối hai tỉnh Cần Thơ và Vĩnh Long. Với dân số thưa thớt, chỉ khoảng 100 hộ gia đình sinh sống, nơi đây mang trong mình vẻ đẹp mộc mạc của miền quê Nam Bộ. Thiên nhiên đã ban tặng cho Cồn Sơn một hệ sinh thái tự nhiên phong phú, với những vườn cây trái xanh tươi, trĩu quả.
Tên gọi "Cồn Sơn" bắt nguồn từ lịch sử hình thành của địa danh này. Xưa kia, trên đảo mọc rất nhiều cây sơn, loài cây quý hiếm được sử dụng để làm sơn thiếp vàng, dùng để trang trí nội thất gỗ. Làng nghề truyền thống tại Cồn Sơn đã tồn tại từ lâu đời và dần dần trở nên mai một. Cộng đồng dân cư đã chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang nuôi cá và trồng cây ăn quả theo mùa.
Được biết, khu du lịch Cồn Sơn ra đời từ năm 2004, bắt nguồn từ chương trình "Một ngày làm nông dân" của một nhóm học sinh. Sự hỗ trợ của cộng đồng địa phương đã giúp các bạn học sinh hoàn thành chương trình này. Từ đó, nơi đây bắt đầu chú trọng đến làm du lịch cộng đồng, và phát triển cho đến tận bây giờ. Năm 2015, khu du lịch chính thức đi vào hoạt động. Theo thời gian, nơi đây ngày càng được biết đến và thu hút nhiều lượt khách đến tham quan. Mỗi gia đình trên cồn đều kinh doanh theo cách riêng, tạo nên những trải nghiệm du lịch độc đáo cho du khách. Sự nhiệt tình, hào sảng của người dân địa phương đã góp phần không nhỏ giúp nơi đây ngày càng nhận được nhiều sự yêu mến, cảm tình từ khách du lịch.
Từng trải nghiệm làm bánh dân gian tại Cồn Sơn trong chương trình quảng bá du lịch Cần Thơ Amazing Tour 8 với hành trình “Về miền gạo trắng nước trong”, người đẹp Huỳnh Thuý Vi - Hoa khôi du lịch TP. Cần Thơ chia sẻ: "Khi làm bánh hay ăn bánh, ngoài hương vị thơm ngon ra mình còn thấy tự hào vì mình là người miền Tây, tự hào bởi quê hương mình có các loại bánh phong phú, đặc sắc. Để từ đó, Cần Thơ là nơi đăng cai lễ hội bánh dân gian Nam Bộ đã trải qua nhiều năm và đều rất thành công - đây cũng là nét đặc trưng khi nhắc đến du lịch Cần Thơ. Vậy nên mình rất tự hào, đi đâu mình cũng giới thiệu các loại bánh dân gian của quê hương đến với mọi người".
Với Thuý Vi - một người con miền Tây chính hiệu, những hoạt động mang đậm chất miền Tây sông nước mà cô thích, và khuyến khích khách du lịch đến đây nên dành thời gian trải nghiệm như tham quan vườn trái cây, làm bánh, đi cầu khỉ... Tìm hiểu về các làng nghề tại Cồn Sơn cho đoàn tham quan thêm hiểu hơn về văn hoá, con người bản địa. Ấn tượng với những hoạt động trải nghiệm thú vị, bên cạnh đó còn thương mến hơn tình cảm, tính cách hào sảng, thân thiện của người dân nơi đây.
"Người miền Tây dễ thương, hiếu khách lắm. Khách tới nhà, nhà có gà có vịt gì cũng mang ra đãi, dù mới gặp lần đầu nhưng đã thân thuộc, nồng nhiệt như đã quen từ lâu lắm rồi", Thuý Vi kể. Thật vậy, họ không giàu có lắm, nhưng có lẽ vùng sông nước hiền hòa quanh năm bồi đắp phù sa đã cho họ một tài sản vô giá, đó là tính cách “rặt” miền Tây.
Có thể nói, hành trình đến Cồn Sơn không chỉ đơn thuần là một chuyến đi chơi, mà còn là khoảng nghỉ của tinh thần khi được tiếp xúc với tinh thần giản dị, hiếu khách và chân thành của những con người miền Tây.
Chia sẻ cảm nhận về Cồn Sơn, Travel Blogger Vinh Gấu cho biết: "Dù bên ngoài sóng to gió lớn, nhưng khi lên ghe đi vào Cồn Sơn cảm giác khác biệt hẳn. Hòn đảo nhỏ này bình yên, tĩnh lặng được bao phủ bởi nhiều cây xanh mướt mát. Ở đây cảm giác rất thoải mái, yên bình nên chắc chắn Vinh sẽ quay trở lại Cồn Sơn".
Đoàn tham quan được trải nghiệm làm cốm nổ, một phần trong ký ức tuổi thơ - là món quà quê dân dã của những đứa trẻ miền Tây. Gạo được cho vào quả nổ quay đều tay trên bếp lửa trong vòng khoảng 15 phút. Sau đó đặt qua nổ trước túi mành rồi đập thật mạnh. "Đùng" một cái ai cũng giật bắn mình, khói bốc lên nghi ngút, tuôn thành dòng cốm nở bung, trắng tinh vào túi mành.
Lần đầu tiên trải nghiệm làm cốm, Travel Blogger Vinh Gấu không khỏi ngỡ ngàng: "Khi bắt tay vào làm, mình mới thấy được sự khó khăn của người làm cốm nổ. Họ phải dùng lực rất mạnh để quay, chịu sức nóng không ngớt của lò đốt và tiếng đập nổ cốm rất lớn khiến Vinh ù tai. Thực sự phải mất đến năm phút sau mới nghe được mọi người xung quanh. Mình mới trải nghiệm thôi mà đã thấy cực, trong khi người làm cốm nổ phải làm điều đó hàng ngày".
Đến với Cồn Sơn, du khách không nên bỏ qua trải nghiệm làm bánh lá mít. Món ăn đơn giản, không cầu kỳ nhưng lại gây thương nhớ cho những người con xa quê. Gạo được ngâm cho nở ra, rồi tự xay bằng tay. Sau đó nhào nhuyễn, trộn thêm bột năng để bánh dẻo hơn. Bột sau khi ủ đủ thời gian sẽ được quét lên mặt sau của lá mít một lớp mỏng, rồi gói lại và đem đi hấp khoảng 10 phút là có thể ăn được.
Cũng trong hành trình tại Cồn Sơn, du khách cũng nên dành thời gian trải nghiệm đặc biệt khi đi cầu khỉ. Cầu được từ những thân cây mảnh khảnh, tay vịn vào những thanh tre. Khi đi qua cây cầu cheo leo, ở dưới là con nước, người trải nghiệm chao đảo ngộ nghĩnh, mới liên tưởng đến hình ảnh những chú khỉ dùng tay làm điểm tựa để di chuyển, nên gọi đây là "cầu khỉ".
Tham quan nhà cổ Bình Thủy
Với tuổi đời hơn 150 năm, nhà cổ Bình Thủy là một trong những kiến trúc độc đáo còn giữ nguyên nét đẹp cổ xưa đặc trưng của Cần Thơ. Nơi đây được xem như nơi giao thoa của ba lối kiến trúc Việt - Hoa - Pháp.
Bước qua cổng chính, nổi bật cổng tam quan được xây dựng theo lối kiến trúc người Hoa với hệ thống xà được làm bằng gỗ và mái lợp ngói men xanh phía trên. Trên cùng còn được trang trí nhiều hình thù sống động như kỳ lân, cá vàng, hoa lá. Đặc biệt, nơi đây có gắn hai bảng hiệu lớn: một bảng tiếng Hoa là “Phước An Hiệu” và một bảng tiếng Việt là “Phủ thờ họ Dương”.
Nhà cổ Bình Thủy khiến các thành viên đoàn Amazing Tour 8 choáng ngợp bởi công trình kiến trúc vô cùng tinh tế với hoa văn điêu khắc từ những cây cột, vòm cửa cho đến viền nhà đều được chạm khắc vô cùng tỉ mỉ. Đặc biệt, nơi đây còn gây ấn tượng bởi hai cầu thang hình cung dẫn vào nhà nổi bật cùng hai cây đèn to được đúc bằng đồng từ thời Pháp được đặt trước mặt tiền.
Ngôi nhà cổ được xây dựng trên một nền móng khá cao ráo để phòng tránh việc ngập nước ở vùng đất miền Tây xưa. Một điều thú vị là trong quá trình xây gian nhà chính, chủ nhân họ Dương đã cho lót lớp muối hạt dày chừng 10 cm dưới nền gạch bông. Đây là kinh nghiệm dân gian được người dân Nam Bộ thường xuyên áp dụng trong việc xây nhà bởi việc lót muối dưới nền nhà nhằm mục đích vừa xua đuổi côn trùng mang sự thông thoáng ngôi nhà vừa tránh những tà vật xâm hại theo quan niệm phong thủy.
Kiến trúc nhà cổ Bình Thủy mang đậm dấu ấn Đông - Tây kết hợp. Đây là ngôi nhà phá vỡ quy tắc ba gian truyền thống quen thuộc ở miền Tây với diện tích 6.000 m2, được thiết kế chia thành 5 gian. Nền gạch trầm đục trong ngôi nhà đều được nhập khẩu từ Pháp về. Nhà trước, nhà giữa và nhà sau được xây dựng liên tiếp và ngăn cách bởi những cửa vòm bằng gỗ điêu khắc tinh tế.
Một điều đặc biệt khiến đoàn tham quan khâm phục và cảm mến chủ nhân nhà cổ Bình Thủy đó chính là ngôi nhà pha trộn văn hóa Đông - Tây nhưng nơi thờ tự vẫn được thuần Việt. Điều này cho thấy sự tinh tế và thẩm mỹ của ông chủ họ Dương khi tiếp thu cái mới nhưng vẫn giữ được cái hồn của dân tộc.
Khám phá cuộc sống về đêm của vùng đất Tây Đô bằng cách ghé thăm chợ đêm Ninh Kiều
Nằm giữa lòng thành phố, chợ đêm Ninh Kiều mở ra một không gian thoáng đãng, trải nhựa thẳng tắp, những gian hàng được sắp xếp gọn gàng. Mọi ngóc ngách của chợ đều tập trung đa dạng các sản phẩm: từ trái cây tươi ngon đến quần áo thời thượng, từ trang sức tinh xảo đến những tác phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, và cả các loại hải sản tươi ngon... Mọi thứ mà bạn cần để đáp ứng mong muốn mua sắm đều có mặt tại đây.
Loạt trái cây nổi danh đến từ miền Tây như mít, cam, xoài vẫn đảm bảo được sự tươi và thơm ngon. Du khách có thể thưởng thức những loại trái cây này ngay trong chợ, vừa nhâm nhi trái cây tươi ngọt vừa đi dạo xung quanh lựa đồ, ngắm nhìn khung cảnh quanh chợ, thức ăn vặt, hải sản nướng... tất tần tật đều có thể tìm thấy ngay trong chợ đêm này.
Sự phức hợp của chợ đêm không chỉ nằm ở thực phẩm, mà còn trong vô vàn các món ăn đường phố hấp dẫn, từ hải sản nướng cho đến các loại thức ăn vặt hấp dẫn. Với mỗi bước đi, bạn có thể khám phá và trải nghiệm thế giới ẩm thực phong phú của vùng Nam Bộ.
(Ảnh: Nhiếp ảnh gia Bảo Khánh - Vinh Gấu)