Hoppin John, Nam Mỹ
Món Hoppin John xuất hiện từ năm 1847 và được truyền lại qua nhiều thế hệ. Hoppin John là món ăn truyền thống mang theo hi vọng về một năm mới thịnh vượng, dư dả của người Nam Mỹ. Được được nấu từ gạo, đậu trắng hoặc đậu đen, hành tây và thịt xông khói xắt nhỏ, người ta sẽ cho thêm một vài hạt đậu Hà Lan hoặc đồng xu vào bên trong. Ai ăn được phần có đậu hoặc đồng xu sẽ là người gặp may mắn cả năm.
Nho, Tây Ban Nha
Người Tây Ban Nha có truyền thống ăn 12 quả nho vào thời khắc giao thừa. Tục lệ này có từ những năm đầu của thế kỉ 20 và tiếp tục đến tận bây giờ. 12 quả nho được cho là tượng trưng cho 12 tháng trong năm, cầu chúc cho vạn sự như ý.
Bánh Tamales, Mexico
Nếu đến Mexico dịp tết mà bạn chưa nếm thử Tamales quả là một thiếu sót vô cùng trầm trọng. Tamales khá giống với bánh tét, bánh ít của Việt Nam, bánh làm từ bột ngô trộn với mỡ, thịt, cá, rau và được gói trong lá chuối hoặc lá ngô, sau đó đem hấp chín bằng hơi. Món ăn truyền thống này thường được ăn kèm súp bí ngô trong dịp năm mới.
Bánh Oliebollen, Hà Lan
Người dân Hà Lan tin rằng, nếu cắn một miếng bánh rán phồng tròn to có tên gọi Oliebollen dịp tết, bạn sẽ đạt được những điều tốt lành. Do đó, bánh này cũng chỉ được làm duy nhất vào những ngày đầu năm mới. Những chiếc bánh Oliebollen tròn tròn làm bằng bột mì và nhân táo, nhân dứa được chiên ngập trong chảo dầu. Sở dĩ người Hà Lan có tục lệ này là do họ tâm niệm nữ thần Bertha sẽ bay ngang qua bầu trời cùng với các linh hồn tội lỗi sẽ hung hang cắt đi bất cứ cái dạ dày trống rỗng nào mà bà ta gặp trên đường. Và khi họ ăn bánh rán nhiều dầu mỡ, con dao của bà ta sẽ trượt đi trong đêm lạnh giá.
Bánh hạnh nhân hình con heo, Đức
Con heo tượng trưng cho sự no đủ, mang lại may mắn. Đó là lý do tại sao trong mỗi dịp năm mới, người dân Đức sẽ ăn loại bánh hạnh nhân hình con heo hồng bắt mắt. Những chiếc đầu lợn nhỏ xinh xắn được tẩm sô cô la hoặc đường được làm món khai vị trong các bữa tiêc gặp mặt, mang hi vọng của một năm mới thịnh vượng.
Mì Soba, Nhật Bản
Toshikoshi Soba có nghĩa là mì “năm đã qua”, thường được người Nhật thưởng thức trong đêm giao thừa hàm ý như một lời tiễn biệt năm cũ và chào đón một năm mới tốt lành. Người Nhật cho rằng, những sợi mỳ dài tượng trưng cho sự trường thọ, thịnh vượng. Nhiều người không cắt ngắn sợi mì khi họ sợ sợi mì ngắn đi đồng nghĩa với “cắt ngắn cả tuổi thọ”. Vì vậy, họ để nguyên sợi rồi nuốt vào bụng.
Bánh vua, loại bánh truyền thống thống trị tại nhiều quốc gia
Bánh vua là loại bánh truyền thống của vùng New Orland, thường xuất hiện vào tiệc mừng năm mới. Mỗi quốc gia có một công thức làm bánh vua riêng biệt nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến nước Pháp. Lớp vỏ bánh ngàn lớp giòn tan trong mùi bơ béo ngậy, quyện đều trong nhân bánh vị trái cây chỉ có loại bánh vua này mới xứng đáng có được. Điều đặc biệt là trong nhân chiếc bánh thường có một vương miện hoặc hình nộm nho nhỏ tượng trưng cho vương miện đức vua khi xưa. Trong buổi tiệc, ai may mắn bắt được biểu tượng sẽ có vinh dự đội vương miện bằng giấy và làm chủ cuộc chơi của buổi tiệc. (hỗn hợp bột hạnh nhân, bơ, đường và trứng).
Cotechino con Lenticchie, Ý
Món hầm truyền thống Cotechino con Lenticchie là sự kết hợp giữa thịt heo và đậu lăng. Đây được xem là hai biểu tượng ẩm thực may mắn của người Ý. Người dân nước này cho biết heo lúc ăn luôn dũi mõm về phía trước, tượng trưng cho sự tiến bộ. Đối với đậu lăng, chúng có hình dạng như đồng xu nhỏ, tượng trưng cho may mắn. Vì vậy, ăn Cotechino con Lenticchie vào đêm giao thừa được cho là sẽ mang lại sự thịnh vượng suốt cả năm mới.
Cá trích muối, Ba Lan
Người Ba Lan tin rằng, ăn cá trích vào đêm giao thừa sẽ mang lại một năm an khang thịnh vượng, nhiều tài lộc. Một trong những loại cá trích ngâm đặc biệt nhân dịp năm mới tại Ba Lan có tên gọi là Sledzie Marynowane. Cá trích muối được ngâm trong nước trong 24 giờ đồng hồ, sau đó đặt vào trong lọ với hành, gia vị, đường và giấm trắng.
Kransekage, Đan Mạch
Trong ngày đầu năm mới, người Đan Mạch tin rằng, nếu ném đĩa ăn vào trước cửa nhà người khác sẽ đem lại may mắn cho gia chủ và giúp họ có nhiều bạn bè hơn. Vào buổi tối, người Đan Mạch sẽ tổ chức một bữa tiệc và cùng nhau thưởng thức món tráng miệng đặc biệt có tên là Kransekage, tượng trưng cho sự hưng thịnh. Kransekage kết hợp từ các bánh vòng hạnh nhân với nhiều kích cỡ. Đây là chiếc bánh hình nón, được trang trí những que pháo hoa và cờ.